HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954-2024)

Ký ức một thời "máu và hoa"

Thứ Tư, 24/04/2024, 18:35 [GMT+7]
In bài này
.

Những nhân chứng từng tham gia, đóng góp công sức trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, hiện đang sinh sống tại TP.Vũng Tàu, đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Nhưng ký ức một thời “máu và hoa” vẫn còn khắc ghi trong tâm khảm, là niềm tự hào của họ.

Ông Nguyễn Quang Hiền (trái), Chủ tịch Hội CCB  phường Nguyễn An Ninh (TP.Vũng Tàu) trò chuyện  cùng ông Phạm Đình Hịch.
Ông Nguyễn Quang Hiền (trái), Chủ tịch Hội CCB phường Nguyễn An Ninh (TP.Vũng Tàu) trò chuyện cùng ông Phạm Đình Hịch.

Cùng đi với ông Nguyễn Quang Hiền, Chủ tịch Hội CCB phường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu, chúng tôi đến thăm nhà ông Phạm Đình Hịch (SN 1933, quê Hải Phòng, ngụ phường Nguyễn An Ninh). Dù tuổi đã cao nhưng ông còn khá minh mẫn.

Ông Phạm Đình Hịch nhớ lại: Ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức mở màn, quân ta tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong tháng 4, quân ta đã đồng loạt tiến công các cứ điểm, thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

“Chiến dịch rất ác liệt. Tôi thuộc Trung đoàn 42, Đại đoàn 351, được giao nhiệm vụ cứu thương cho anh em. Chiến sĩ bị thương sau khi sơ cứu, băng bó được chuyển về tuyến sau. Trong một lần bị bom đánh sập hầm, tổ tôi gồm 5 người bị vùi lấp, tôi may mắn được đồng đội đào lên cứu sống, 4 người còn lại đã hy sinh. Tôi được chuyển về tuyến sau để dưỡng thương”, ông Phạm Đình Hịch kể lại.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bà Trịnh Thị Tiết (quê Thanh Hóa, ngụ tại phường 3, TP.Vũng Tàu), là dân công hỏa tuyến khi vừa tròn 18 tuổi. Bà nhớ lại, khi đó, những dân công như bà thiếu ăn nên gầy gò nhưng tinh thần tiếp vận thì luôn đầy ắp.

Mặc dù Thanh Hóa là địa bàn xa chiến trường Điện Biên Phủ, đi lại khó khăn, nhưng là một trong những hậu phương chủ chốt cung cấp lương thực, thực phẩm cho chiến dịch. Vượt qua những cung đường lên Tây Bắc, trèo đèo, lội suối, có những đoạn phải vừa đi, vừa mở lối, nhưng lực lượng dân công hỏa tuyến đã khắc phục bằng mọi cách để cung cấp kịp thời sức người, sức của, quyết tâm cùng cả nước phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ đi đến thắng lợi cuối cùng.

Sự hy sinh, cống hiến thầm lặng và hết mình, vô tư của bao dân công, thanh niên xung phong như bà Tiết đã tạo nên con đường huyền thoại mà chính thực dân Pháp thời bấy giờ cũng không ngờ tới.

Trong 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ "bất khả chiến bại" đã bị quân và dân ta xóa sổ hoàn toàn. Thắng lợi này đã buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. 

70 năm đã trôi qua, chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại, đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi nhất trong thế kỷ XX. Đây là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử... Ý nghĩa, tầm vóc, những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

;
.