Cải cách hành chính vì dân - Kỳ 2: Mỗi năm một chuyển biến mới

Thứ Ba, 23/04/2024, 18:19 [GMT+7]
In bài này
.

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Công tác cải cách hành chính (CCHC) được các địa phương, đơn vị chú trọng. Chất lượng phục vụ người dân, cũng như chỉ số CCHC năm sau tốt hơn năm trước.

Đoàn kiểm tra công vụ của tỉnh kiểm tra việc số hóa thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa UBND xã Tân Hòa, TX.Phú Mỹ ngày 5/1/2024.
Đoàn kiểm tra công vụ của tỉnh kiểm tra việc số hóa thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa UBND xã Tân Hòa, TX.Phú Mỹ ngày 5/1/2024.

Yếu điểm nào, tập trung gỡ điểm đó

Năm 2023, UBND huyện Đất Đỏ xếp thứ 6/8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh về chỉ số CCHC, tăng 1 hạng so với năm 2022. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn và trước hạn đạt 95,8%. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến cấp huyện đạt 99,93%. Trong năm, cấp ủy chính quyền đã tiếp 601 lượt công dân, tiếp nhận và giải quyết 386 đơn thuộc thẩm quyền; hòa giải thành ở cơ sở 69/73 trường hợp, đạt tỷ lệ 94,52%.

Bà Đỗ Thị Hồng, Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ đánh giá, chỉ số CCHC có sự cải thiện đáng kể, nhưng tỷ lệ hồ sơ trễ hạn vẫn còn khoảng 4,2%; công tác chuyển đổi số còn những bất cập, khó khăn. Do vậy, năm 2024, huyện phát động phong trào thi đua “Đẩy mạnh công tác CCHC”, “Chuyển đổi số” và phong trào thi đua “Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ CCHC”, phấn đấu xếp hạng 4/8 huyện, thị, thành phố.

Trong khi đó, TP.Bà Rịa có thành tích ấn tượng 3 năm liền dẫn đầu trong 8 huyện, thị, thành phố về kết quả chuyển đổi số; tăng từ hạng 6/8 về chỉ số CCHC nhóm các huyện, thị, thành phố năm 2021 lên hạng 3/8 vào năm 2023.

Bà Rịa tập trung cắt giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính (TTHC) được 42%; thực hiện mô hình tổ chức hội nghị của cấp ủy đảng, chính quyền và UBMTTQ thành phố. Ngoài đối thoại, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thành phố còn trực tiếp lắng nghe dân phản ánh để trả lời, giải đáp thấu đáo nhất.

Với TX.Phú Mỹ, không chỉ là địa phương dẫn đầu trong 3 năm gần đây, năm 2023, thị xã tăng điểm nhiều nhất với 91,594 điểm, tăng 1,103 điểm. Qua khảo sát ý kiến của người dân đối với Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại TX.Phú Mỹ, hơn 98% người dân đánh giá cao về văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức và cơ sở vật chất nơi đây.

Ông Khoan Hữu (phường Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ) nhận xét: "Cơ sở vật chất ở Bộ phận một cửa thị xã khang trang, thoáng mát, công chức tận tình hướng dẫn thủ tục khiến tôi rất hài lòng".

Công chức Bộ phận một cửa UBND huyện Đất Đỏ hướng dẫn người dân thực hiện  thủ tục hành chính.
Công chức Bộ phận một cửa UBND huyện Đất Đỏ hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính.

Động lực thi đua cùng phát triển

Trong nhóm các sở, ban, ngành, Sở LĐTBXH vươn lên vị trí dẫn đầu về chỉ số CCHC năm 2023. Trước đó, năm 2022, Sở LĐTBXH  đứng ở vị trí thứ 2.

Có được kết quả này là nhờ thời gian qua, Sở LĐTBXH đã triển khai quyết liệt, cụ thể các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác CCHC. Sở LĐTBXH đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC.

Trong năm 2023, Sở LĐTBXH đã tiếp nhận gần 25.500 hồ sơ, trong đó, 98% được giải quyết đúng hạn; 95% thực hiện trực tuyến. Qua khảo sát, 100% người dân, doanh nghiệp đánh giá hài lòng về sự phục vụ của đơn vị.

Năm 2023, kết quả chỉ số CCHC và chỉ số chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị đã cải thiện hơn so với năm 2022. Cụ thể: chỉ số CCHC trung bình của cả 3 cấp đạt 87,602/100 điểm, tăng 0,292 điểm so với năm 2022. Chỉ số chuyển đổi số trung bình của cả 3 cấp đạt 80,1/100 điểm, tăng 18,6 điểm so với năm 2022. Tỷ lệ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của UBND cấp huyện đạt 82,91%, tăng 2,61% so với năm 2022.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Tấn Phong cho biết, công tác đánh giá chỉ số CCHC hàng năm là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện nội dung Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030.

Thông qua việc đánh giá chỉ số CCHC sẽ giúp cho các đơn vị, địa phương phân tích, so sánh và xác định rõ những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế trong từng nội dung, nhiệm vụ CCHC để có giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này.

Bên cạnh đó, để nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh đòi hỏi sự nỗ lực của từng sở, ngành, địa phương và của cả hệ thống chính trị. Trong đó, các địa phương, đơn vị phải có sự nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ, quyết liệt hơn, bởi không có giải pháp hữu hiệu, dẫn đến nguy cơ “tụt hạng” trong đường đua về chỉ số CCHC.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

 
;
.