Sóng vỗ về cho giấc ngủ an yên

Thứ Sáu, 15/03/2024, 17:45 [GMT+7]
In bài này
.

Từng cái tên được gợi nhắc, vòng hoa mang theo lá cờ Tổ quốc chầm chậm về với biển, gửi đến các anh, những chiến sĩ hải quân đã mãi mãi nằm lại với đại dương. Buổi Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc diễn ra như thế, đơn giản nhưng trang nghiêm, khiến người tham dự không thể cầm lòng.

Những nhành cúc vàng được thả xuống biển tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh.
Những nhành cúc vàng được thả xuống biển tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh.

Một cái chết để muôn ngàn lần sống

“Dẫu biết vinh quang nào mà không đổi bằng mất mát, hy sinh, hạnh phúc nào không đổi bằng mồ hôi, nước mắt. Dẫu biết sự hy sinh của các anh góp phần làm nên giá trị thiêng liêng của đất nước. Song, giờ phút này…”.

Diễn văn tưởng niệm mới chỉ đọc được quá nửa, nhưng trong một khoảnh khắc, Trung tá Lê Xuân Tâm (Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) đã không thể cầm lòng. Những giọt nước mắt lăn dài trên má người sĩ quan hải quân vẫn luôn rắn rỏi, kiên cường.

Chiến sĩ hải quân rước vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ.
Chiến sĩ hải quân rước vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ.

Không xúc động sao được, khi nhắc đến các anh, những chiến sĩ Nhà giàn DK1 đã hy sinh, ngay tại đây, giữa vùng biển phía Nam thiêng liêng của Tổ quốc. Vào thời khắc giữa cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc, các anh đã tỏ rõ lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân.

Đó chính là thời khắc không thể quên của rạng sáng 5/12/1990, khi cơn bão số 10 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông, với sức gió giật cấp 12. Lúc này, tại Nhà giàn DK1/3 cụm Phúc Tần có 8 cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.

Chỉ huy nhà giàn lúc này là Trung úy Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng và Thượng úy, Trạm phó Chính trị Trần Hữu Quảng. Các anh, cùng đồng đội ra sức chống chọi với bão tố. Nhưng, trong màn đêm đen nghịt, cơn siêu bão càng lúc càng dữ dội. Và rồi, nhà giàn DK1/3 bị quật đổ, cuốn trôi toàn bộ 8 cán bộ chiến sĩ xuống biển. Sức người có hạn, 3 trong 8 người lính hải quân đã anh dũng hy sinh. Đó là Thượng úy chuyên nghiệp, quân y Trần Văn Là, chiến sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền và người chỉ huy, Thượng úy Trần Hữu Quảng.

Tại lễ tưởng niệm, những nén nhang thơm được thắp lên, như lời tri ân gửi đến những người anh hùng đã hy sinh tuổi xuân cho dân tộc. Rồi vòng hoa bất tử được thả trôi xuống biển, chầm chậm hòa mình theo dòng nước mênh mông. Khoảnh khắc này, những cơn sóng biển khơi bỗng nhẹ nhàng đến lạ, như vỗ về các anh, những người anh hùng mãi mãi yên nghỉ giữa biển trời Tổ quốc.

Từng cái tên được nhắc...

Sau này, những anh em còn sống vẫn luôn nhắc về người chỉ huy của mình, Thượng úy Trần Hữu Quảng. Khi đó, trong cuộc chiến với bão tố và đại dương mênh mông, với vai trò là Bí thư Chi bộ nhà giàn, anh vẫn bao quát, động viên anh em bám sát và hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ. Đến khi mệt lả, cận kề giữa sự sống và cái chết, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho người chiến sĩ yếu nhất, nhường sự sống cho đồng đội rồi thanh thản vào cõi vĩnh hằng. Năm 1998, bão quần thảo Nhà giàn DK1/6, cụm Phúc Nguyên. Nhà giàn rung lắc dữ dội. Các chiến sĩ kiên trì bám trụ trên nhà giàn, giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy, động viên nhau kiên cường chống chọi với cuồng phong.

Nhưng rồi, nhà giàn vẫn đổ sập, 9 cán bộ chiến sĩ trên DK1/6 bị hất tung xuống biển. Lực lượng cứu hộ đã làm hết sức, cứu được 6 chiến sĩ. Ba người đã anh dũng hy sinh, gồm: Đại úy, Trạm trưởng Vũ Quang Chương, Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng và Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An. “Chúng ta quên sao được tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ, Chuẩn úy Lê Đức Hồng, anh đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy Quân chủng Hải quân. Trong khoảnh khắc cuối cùng, người anh hùng Lê Đức Hồng chỉ kịp gửi lời chào “vĩnh biệt đất liền”, rồi mãi nằm lại nơi biển khơi”, Trung tá Lê Xuân Tâm bồi hồi nhắc lại.

Phạm Tảo, Trần Văn Là, Tạ Ngọc Tú, Hồ Văn Hiền, Dương Văn Bắc…, những chiến sĩ nhà giàn đều đã anh dũng, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, dũng cảm hy sinh thân mình mà không chút so đo, suy tính.

Từng cái tên được nhắc đến đều gây xúc động mạnh cho Trung tá Phan Chí Trà, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Mỗi sự hy sinh đều là mất mát không thể bù đắp cho gia đình và những người đồng chí, đồng đội ở lại. Nhưng để xứng đáng với sự hy sinh của các anh, chiến sĩ hải quân thế hệ sau càng phải mạnh mẽ, kiên cường. “Dù các anh đã hy sinh, nhưng khí phách kiên cường sẽ luôn là tấm gương sáng để các thế hệ người lính hải quân, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 như chúng tôi noi theo; qua đó, tiếp tục phấn đấu học tập, góp sức bảo vệ chủ quyền biển ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc”, Trung tá Phan Chí Trà nói.

Theo Đại tá Trần Chí Tâm, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, từ công sức, mồ hôi và cả xương máu đổ xuống của các thế hệ đi trước, các nhà giàn DK1 hôm nay đã có những đổi thay rõ nét. Nhiều chương trình hướng về biển đảo được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp, tạo niềm tin cho cán bộ chiến sĩ chắc tay súng, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ là hoạt động luôn được tổ chức khi các tàu trực, hoặc tàu chở đoàn công tác của đơn vị đi qua cụm nhà giàn DK1 đã từng xảy ra biến cố, nơi có những anh hùng, liệt sĩ hy sinh. “Đây là dịp vừa tưởng nhớ, tri ân đến các anh, vừa giáo dục thế hệ chiến sĩ trẻ noi gương, nỗ lực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên biển”, Đại tá Trần Chí Tâm nói.

Bài, ảnh: QUANG VINH

;
.