PHIÊN HỌP THỨ 31 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Chất vấn nhiều vấn đề nóng lĩnh vực tài chính và ngoại giao

Thứ Hai, 18/03/2024, 18:40 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 31, ngày 18/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn với lĩnh vực tài chính và ngoại giao. Phiên họp diễn ra tại điểm cầu Nhà Quốc hội và 62 điểm cầu các địa phương.

ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Dương Tấn Quân chất vấn về việc thanh tra và xử lý vi phạm trong hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ.
ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Dương Tấn Quân chất vấn về việc thanh tra và xử lý vi phạm trong hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ.

Chất vấn giải pháp “cầm cương” tỷ giá

Trong khuôn khổ phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 18/3, các đại biểu đã đặt ra nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính. Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, thời gian qua, nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn ra khá phức tạp, trong đó có liên quan tới vàng và ngoại tệ.

Các hoạt động này khá tinh vi, phổ biến tác động không nhỏ đến thị trường Việt Nam. Trước thực trạng này, bà Huỳnh Thị Phúc đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ các giải pháp kiểm soát hiệu quả thị trường vàng và ngoại tệ trong nước.

Trả lời chất vấn về giá vàng, ngoại tệ tăng cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, vấn đề này thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, Bộ Tài chính có nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, nghĩa là quản lý vùng biên giới để khi giá vàng, ngoại tệ của Việt Nam tăng cao thì hàng lậu không tuồn vào Việt Nam. Bộ đã siết chặt các cửa khẩu để quản lý số vàng, ngoại tệ này.

Thời gian qua đã bắt được một số vụ chuyển USD, ngoại tệ từ trong nước đi nước ngoài như chuyển đi Hàn Quốc 1,6 tỉ USD hay hiện đang điều tra, xử lý 3,7 ngàn tỉ đồng hoặc 1 triệu USD giả chuyển qua đường hàng không. Ông Phớc khẳng định Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục siết chặt vấn đề này.

Đề xuất thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ (BHNT)

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm tới hoạt động BHNT. Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết kết quả thanh tra và xử lý vi phạm trong hoạt động cung cấp dịch vụ BHNT trong thời gian qua.

“Bộ Tài chính có theo dõi được kết quả khắc phục sai phạm của doanh nghiệp (DN) bảo hiểm hay không, đặc biệt là với các sản phẩm bảo hiểm đã gây bức xúc kéo dài trong dư luận?”, đại biểu Dương Tấn Quân nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đề nghị Bộ trưởng cho biết tình hình thực hiện thanh tra các DN BHNT trong năm 2023 đối với các DN bán bảo hiểm qua các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cùng với đó là kế hoạch thanh tra năm 2024.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng: “Nên chăng cần phải thanh tra toàn diện và diện rộng đối với các công ty BHNT để quản lý được tốt hơn trong thời gian tới?”

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, vừa qua, Bộ Tài chính đã thanh tra hoạt động BHNT, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công khai kết quả trên báo chí.

Bộ cùng đã tăng cường giải quyết khiếu nại của người tham gia bảo hiểm khi công ty bảo hiểm không làm tròn trách nhiệm. Ngoài thanh tra theo kế hoạch, Bộ sẽ thanh tra đột xuất dựa trên đơn thư khiếu nại, tố cáo của người tham gia bảo hiểm… để chấn chỉnh, giải quyết quyền lợi cho những người tham gia bảo hiểm.

Đồng thời, chấn chỉnh kịp thời, xử lý sai phạm, bảo đảm các công ty bảo hiểm khi hoạt động phải bình đẳng và tuân thủ pháp luật, thể hiện sự công bằng, minh bạch trên thị trường bảo hiểm.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin thêm, Việt Nam hiện có 19 DN BHNT. Trong đó 2 DN trong nước, 17 DN nước ngoài, liên doanh. Trong năm 2023, Bộ đã thanh tra 10/17 DN BHNT có doanh thu qua kênh ngân hàng. Tính đến hiện tại bộ đã lưu hành 5 kết luận với 5 công ty bảo hiểm và đang làm thủ tục để ban hành 3 kết luận, cùng 2 kết luận đang triển khai.

“Để thực hiện việc này phải phối hợp với thanh tra giám sát ngân hàng. Bởi với ngân hàng thương mại chỉ có thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước mới có thẩm quyền, còn Bộ Tài chính chỉ có quyền thanh tra việc bán bảo hiểm”, Bộ trưởng Phớc nói. Sắp tới sẽ tiếp tục thanh tra 7 DN bảo hiểm còn lại.

Chặt đứt các đường dây lôi kéo “việc nhẹ lương cao”

Chiều 18/3, nghị trường tiếp tục “nóng” với phiên chất vấn về các vấn đề liên quan tới lĩnh vực ngoại giao. Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chỉ ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục để thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, hạn chế thấp nhất tình trạng công dân Việt Nam, nhất là đối tượng thanh thiếu niên vùng sâu, vùng xa bị lừa đi ra nước ngoài làm việc, cưỡng bức lao động.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho hay, tình trạng dụ dỗ, lừa đảo, cưỡng bức lao động diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay. Thời gian gần đây có nhiều trường hợp “di cư bất hợp pháp ra nước ngoài” theo lời dụ dỗ của các nhóm khác nhau.

Khẩu hiệu chúng đưa ra để dụ dỗ công dân chủ yếu là “việc nhẹ lương cao”. Để hạn chế vấn đề này, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước để đề nghị, phối hợp đưa nhiều nhóm lao động bất hợp pháp ở nước ngoài về nước.

Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật. “Phải chặt đứt đường dây này, không để tiếp tục dụ dỗ, lôi kéo thanh thiếu niên”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Ngoài việc ngăn chặn di cư bất hợp pháp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị tuyên truyền mạnh hơn nữa để thanh thiếu niên hiểu rằng không có “việc nhẹ lương cao”, tất cả những lời dụ dỗ đều đi theo con đường vi phạm pháp luật. Bộ sẽ tiếp tục cảnh báo, thông tin cho các địa phương về công dân ra nước ngoài nhất là trước lời mời làm việc dễ dàng, lương cao nhưng thực ra là làm ở các lĩnh vực bất hợp pháp.

Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn

Phiên chất vấn với lĩnh vực tài chính và ngoại giao có 69 lượt đại biểu quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, tranh luận (trong đó 5 lượt tranh luận) với tổng số 86 câu hỏi. Các nhóm vấn đề thuộc 2 lĩnh vực được lựa chọn chất vấn tại phiên họp đều rất quan trọng, thu hút sự quan tâm rộng rãi của cử tri, nhân dân cả nước.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, lĩnh vực tài chính cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp. Trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật và thực hiện đồng bộ tất cả các lĩnh vực. Hoàn thiện biện pháp tổ chức quản lý nhà nước, xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, của từng bộ, ngành địa phương,...

Với lĩnh vực ngoại giao, cần khắc phục các tồn tại, hạn chế, trong đó tập trung vào một số vấn đề lớn, đó là thực hiện các thoả thuận cam kết song phương, đa phương hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, phục vụ phát triển theo tinh thần Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Tăng cường rà soát, đôn đốc việc thực hiện các điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế…

Kiện toàn nâng cao hoạt động các Ủy ban liên chính phủ, Ủy ban hỗn hợp song phương, kịp thời cảnh bảo rủi ro, rào cản kỹ thuật, nguy cơ tranh hấp thương mại, hỗ trợ xác minh đối tác nước ngoài để điều chỉnh chính sách phù hợp, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp…

Cùng với đó là nghiên cứu xây dựng chính sách về bảo hộ công dân và người Việt Nam ở nước ngoài. Triển khai toàn diện, hiệu quả công tác bảo hộ công dân. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy xây dựng các cơ chế chính sách nhằm phát huy hơn nữa nguồn lực người Việt nam ở nước ngoài. Hoàn thiện các quy chế, quy trình xử lý công tác bảo hộ công dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, ngay sau phiên chất vấn này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn. Trong đó xác định rõ những công việc trọng tâm, cụ thể mà chính phủ các bộ ngành, các cơ quan, địa phương cần thực hiện. Quốc hội các vị ĐBQH sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện theo Nghị quyết và lời hứa của các vị Bộ trưởng.

KHÁNH CHI

;
.