Những 'anh nuôi' trên hải trình vượt biển

Thứ Năm, 14/03/2024, 18:11 [GMT+7]
In bài này
.

Việc nấu ăn trên tàu khó khăn hơn rất nhiều so với trên đất liền. Nhưng, đó lại là công việc thường ngày của những đầu bếp, mà mọi người vẫn gọi với cái tên thân mật  “những anh nuôi trên tàu” trong suốt hải trình dài ngày trên biển. 

"Anh nuôi" Ngô Văn Diện (bên phải) sơ chế thực phẩm để nấu ăn cho bộ đội trên Tàu CSB 8001, BTL Cảnh Sát biển Vùng 3.

Tròng trành bếp ăn giữa biển

Trên bờ, công việc nấu ăn phục vụ cán bộ, chiễn sĩ vốn đã vất vả một, thì trên biển, nhiệm vụ của những “anh nuôi” lại khó khăn gấp bội. Mặc dù đối mặt với điều kiện làm việc vất vả, thiếu thốn, các "anh nuôi" trên tàu vẫn nỗ lực từng phút, từng giờ để đảm bảo bữa ăn cho các cán bộ, chiến sĩ.

Được đi Tàu Trường Sa 10, của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân trong chuyến thăm Nhà giàn DK1 và các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, chúng tôi đã phần nào chứng kiến sự vất vả của những “anh nuôi”. Mùa biển động, con tàu Trường Sa 10 gần 2 ngàn tấn trở nên nhỏ bé giữa biển khơi mênh mông.

Mới 3 giờ sáng, khu vực bếp ăn trên tàu đã sáng đèn. Tiếng xoong nồi, chén bát hòa lẫn tiếng cười, nói khởi đầu một ngày làm việc của các “anh nuôi”. Trong không gian bếp, những "anh nuôi" chân tay thoăn thoắt chuẩn bị đồ ăn, thức uống. 

Đôi tay rám nắng, xào đảo thức ăn một cách điêu luyện, Thiếu tá Đặng Văn Tình cho biết, anh đã công tác trong lực lượng hải quân được 27 năm. Mỗi chuyến biển kéo dài từ nửa tháng đến vài tháng. Vì vậy, trước khi ra khơi, anh em tổ bếp phải tính toán thực đơn kỹ lưỡng để chuẩn bị thực phẩm đầy đủ. Thực đơn gồm 4 bữa: sáng, trưa, chiều và bữa khuya, chế biến đa dạng với đầy đủ rau xanh, thịt, cá... bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ. Thực phẩm được bảo quản trong bếp với các tủ cấp đông cỡ lớn để bảo đảm tươi ngon. 

Những ngày biển động, con tàu tròng trành, nghiêng ngả theo những cơn sóng, công việc của các "anh nuôi" càng vất vả hơn. Các anh vừa nấu vừa phải giữ cho xoong nồi không bị rớt, cũng như tránh bị bỏng do thức ăn nghiêng đổ. Anh Tình kể: "Có những chuyến biển vào ngày bão, sóng lớn cao gần chục mét, nước biển tràn lênh láng vào sàn tàu khiến nồi thức ăn đang sôi trên bếp lật nhào. Các vật dụng như chén bát, xoong nồi rơi loảng xoảng. Một số anh em trong tổ bị sóng "vật" phải về khoang nghỉ lấy sức, những người còn khỏe thì vệ sinh sàn tàu rồi lại tiếp tục với công việc".

“Anh nuôi” Đặng Văn Tình nấu ăn phục vụ cán bộ, chiến sĩ  trên Tàu Trường Sa 10.
“Anh nuôi” Đặng Văn Tình nấu ăn phục vụ cán bộ, chiến sĩ trên Tàu Trường Sa 10.

Nỗ lực bảo đảm sức khỏe cán bộ, chiến sĩ trên tàu

Cũng như các tàu thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, tại các tàu Cảnh sát biển thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh Sát biển Vùng 3, các “anh nuôi” hầu hết được tăng cường từ nhiều đơn vị khác nhau. Đơn cử tàu CSB 8001, thường ngày các anh làm công việc chuyên môn như: hàng hải, cơ khí boong, vũ khí, máy tàu... nay được tăng cường tại tổ phục vụ hậu cần. Dù đảm nhận công việc nào cán bộ, chiến sĩ đều nhanh chóng bắt nhịp, phối hợp ăn ý, hoàn thành tốt các khâu nấu nướng trong suốt hành trình. Người thái thịt, mổ cá, người vo gạo, nhặt rau, xen lẫn những mẩu chuyện vui khiến không khí tại khoang bếp của tàu luôn rộn rã.

Đại úy Ngô Văn Diện (Khẩu đội trưởng Pháo 23mm) được giao nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ phục vụ trên tàu CSB 8001 cho biết, tổ phục vụ trên tàu trong các chuyến hải trình thường được bố trí khoảng 10 cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, bộ phận bếp ăn có 5 người. Do đặc thù công việc, anh em trong tổ phục vụ phải thức dậy từ 3 giờ sáng và khép lại công việc vào 23 giờ hằng ngày.

“Dù không được đào tạo chuyên sâu về nấu ăn, nhưng anh em tổ bếp đều luôn tìm tòi học công thức, đổi mới thực đơn để cán bộ, chiến sĩ ăn ngon miệng, bảo đảm dinh dưỡng, sức khoẻ”, Đại úy Ngô Văn Diện chia sẻ.

Khó khăn, vất vả là thế, nhưng trên các con tàu ra khơi thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng, các “anh nuôi” vẫn nở những nụ cười rạng rỡ. Giữa biển cả mênh mông các "anh nuôi" vẫn âm thầm, lặng lẽ giúp cán bộ, chiến sĩ có được những bữa cơm ngon, canh ngọt bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Họ đã góp phần không nhỏ vào thành công cho những hải trình dài ngày trên biển, cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: BẢO KHÁNH

 
;
.