CHÚNG TÔI CÓ Ý KIẾN

Xác định rõ vị trí của người đứng đầu

Thứ Tư, 13/03/2024, 17:42 [GMT+7]
In bài này
.

Chưa khi nào cụm từ “người đứng đầu” được nói đến nhiều như thời gian gần đây. Đảng, Nhà nước có nhiều quy định rõ ràng về vị trí, vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng một số cán bộ vẫn chưa thật sự hiểu đúng, làm đúng.

Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách

Tập thể lãnh đạo chính là dân chủ trong Đảng. Trong hệ thống chính trị nước ta, mỗi cấp ủy có trách nhiệm định hướng chính trị cho sự phát triển của địa phương, đơn vị đó. Để hoàn thành nhiệm vụ này, cấp ủy phải mở rộng dân chủ trong bàn bạc, thảo luận, phát huy trí tuệ tập thể, tìm ra chân lý, phương hướng đúng đắn, sáng tạo.

Điều lệ Đảng quy định: “Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Tập thể lãnh đạo bằng các quyết định (ban hành nghị quyết, chỉ thị, kết luận…) thông qua các cuộc họp tập thể theo thẩm quyền. Cá nhân phụ trách là khi công việc của tập thể sau khi đã bàn bạc thấu đáo thì phân công cho từng người phụ trách thi hành. Việc gì một người không thể làm nổi phải giao cho một tập thể thực hiện thì phải có người đứng đầu tập thể đó chịu trách nhiệm chính.

Người đứng đầu

Người đứng đầu là người dẫn dắt cơ quan, đơn vị, địa phương. Mỗi cấp ủy, chính quyền, ngành, địa phương, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội hay cơ quan, đơn vị nào cũng có một tập thể lãnh đạo và người đứng đầu tập thể ấy. Do vị trí quan trọng như vậy nên năng lực, phẩm chất của người đứng đầu tỷ lệ thuận với sự ổn định, trưởng thành và phát triển của tổ chức đó. Người đứng đầu giỏi sẽ có êkíp lãnh đạo giỏi và cơ quan đó được ổn định, phát triển. Ngược lại, người đứng đầu yếu kém cả về năng lực, phẩm chất sẽ kéo theo hậu quả khôn lường.

Người đứng đầu là người quản lý, theo dõi, sử dụng cán bộ dưới quyền và giao việc cho cấp phó của mình cũng như cán bộ dưới quyền trực tiếp. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp, liên đới chịu trách nhiệm khi cấp phó hoặc cán bộ dưới quyền trực tiếp của mình vi phạm khuyết điểm phải bị xử lý kỷ luật theo quy định. 

Thẩm quyền và nghĩa vụ

Có quyền lực dễ nảy sinh tình trạng lạm quyền. Thực tiễn có một số người là bí thư tự coi mình là “thủ trưởng” của cấp ủy, hoặc chi phối mọi hoạt động của cấp ủy, biến cấp ủy chỉ còn là cái bóng minh họa cho ban thường vụ và ban thường vụ lại minh họa cho bí thư, thậm chí hợp pháp hóa các quyết định sai lầm của của bí thư với danh nghĩa quyết định của tập thể. Do vậy, khi được giao quyền, thì phải có nghĩa vụ đi kèm. Và để chống lạm quyền thì phải kiểm soát quyền lực.

Điều lệ Đảng quy định, đối với cấp ủy, bí thư và phó bí thư không phải là một cấp lãnh đạo trong hệ thống tổ chức của Đảng mà chỉ là người tổ chức, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy. Bí thư cũng không phải là chủ thể có quyền lực ban hành các quyết định, mà chỉ là người được thay mặt cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy chủ trì tổ chức triển khai các quyết định của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy.

Ở lĩnh vực chính quyền, thẩm quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu cũng được quy định rành mạch. Ví dụ, trường hợp công chức địa chính - xây dựng xã vi phạm pháp luật (nhận hối lộ) thì chủ tịch UBND xã là người phải chịu kỷ luật, chứ không thể đổ lỗi công chức đó do phó chủ tịch UBND phụ trách kinh tế phụ trách trực tiếp chứ chủ tịch UBND xã không liên quan.

Sự nhập nhằng trong xác định mối quan hệ giữa tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách sẽ đẩy người đứng đầu rơi vào hai tình trạng: độc đoán, chuyên quyền, lợi dụng tập thể để hợp thức hóa ý chí của mình, hoặc sợ trách nhiệm, chờ đợi, không dám quyết đoán và đùn đẩy trách nhiệm.

Vì vậy, phải phân biệt rạch ròi giữa thẩm quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu để người đứng đầu xác định rõ mối quan hệ giữa mình với tập thể ban lãnh đạo, giữa lãnh đạo với quản lý để “đứng” đúng chỗ, làm đúng việc và chịu đúng trách nhiệm, tránh trường hợp thành tích thì nhận về mình, còn thiếu sót, khuyết điểm thì đổ cho tập thể, cho cấp phó.  

HOÀNG ĐÌNH KÊ

Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy Vũng Tàu

;
.