.

Tọa đàm về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng

Cập nhật: 19:24, 26/01/2024 (GMT+7)

Ngày 26/1, Đoàn công tác do Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN), Quốc hội khoá XV tổ chức tọa đàm về “Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng và huy động nguồn lực xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng và an ninh” tại TT.Long Hải (huyện Long Điền).

Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm UBQPAN, chủ trì điều hành buổi tọa đàm.

Buổi toạ đàm của Đoàn công tác do Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, Quốc hội khoá XV  diễn ra tại TT.Long Hải (huyện Long Điền)
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Để tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, UBQPAN tổ chức 3 cuộc tọa đàm ở 3 địa phương, trong đó có tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhằm có thêm cơ sở lý luận chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn vững chắc để hoàn thiện dự thảo Luật.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng cho rằng, việc xây dựng và phát triển công nghiệp QPAN theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn công nghiệp quốc gia, kinh tế kết hợp với QPAN là định hướng quan trọng, có ý nghĩa chiến lược của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên thực tế hiện nay, khâu tổ chức và phát triển công nghiệp QPAN bảo đảm tính lưỡng dụng còn nhiều hạn chế, chưa đạt hiểu quả cao, chưa có chính sách khuyến khích phát triển theo hướng lưỡng dụng.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến, xoay quanh một số nội dung như: phát huy tính lưỡng dụng, tăng cường và phát triển liên kết giữa công nghiệp QPAN với công nghiệp dân sinh; huy động tối đa thành tựu của nền công nghiệp quốc gia phục vụ công nghiệp QPAN triển khai theo cả hai hướng: hướng thứ nhất là lưỡng dụng trong các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt để phát huy hiệu quả đầu tư thông qua việc sản xuất kinh tế phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và duy trì năng lực trong thời bình; hướng thứ hai là lưỡng dụng trong công nghiệp dân sinh để huy động phục vụ công nghiệp QPAN.

Các đại biểu cũng phân tích nhiều nội dung liên quan đến các chính sách hỗ trợ về vốn, ưu đãi về thuế đối với các lĩnh vực, ngành nghề lưỡng dụng; quy định các điều kiện nội địa hóa sản xuất, chuyển giao công nghệ lưỡng dụng đối với các hợp đồng nhập khẩu sản phẩm quốc phòng, an ninh.

HÀN LẬP

.
.
.