Quốc hội thông qua nghị quyết có nội dung giao vốn kéo lưới điện ra Côn Đảo

Thứ Năm, 18/01/2024, 09:36 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 18/1, Quốc hội tiếp tục thông qua 2 nghị quyết quan trọng đã được Quốc hội xem xét, thảo luận trước đó. Trong đó có nội dung về giao vốn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kéo lưới điện quốc gia ra Côn Đảo. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày báo cáo tại phiên bế mạc

Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết, tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Nghị quyết; hồ sơ đảm bảo theo quy định của pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm (khoản 1), có ý kiến đề nghị tại điểm c, nêu rõ “trong trường hợp cần thiết Hội đồng Nhân dân tỉnh phân cấp cho cấp huyện…”, cần cụ thể để thực hiện. Có ý kiến cho rằng, HĐND tỉnh chỉ giao tổng vốn cho cấp huyện, việc phân bổ chi tiết các dự án, tiểu dự án thành phần nên giao cho cấp huyện để chủ động, linh hoạt điều chỉnh các dự án, tiểu dự án.

UBTVQH thấy rằng, ý kiến của đại biểu là xác đáng và tiếp thu tại điểm c như sau: “HĐND cấp tỉnh quyết định, hoặc phân cấp cho HĐND cấp huyện phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần”.

Về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm (khoản 2), tại điểm c, có ý kiến cho rằng, cần phân cấp cho địa phương được quyền điều chỉnh dự toán, kế hoạch giữa các chương trình và giữa vốn sự nghiệp với vốn đầu tư nhưng phải có nguyên tắc để đảm bảo các mục tiêu chung của chương trình.

UBTVQH thống nhất với quan điểm của Chính phủ, việc cho phép điều chỉnh cả 3 chương trình sẽ phá vỡ cơ cấu các chương trình, phát sinh thêm nhiều thủ tục, khó đạt mục tiêu và có thể dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong khi thời gian thực hiện chỉ còn 2 năm, do vậy xin được giữ như nội dung dự thảo Nghị quyết.

Về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất (khoản 3), có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định UBND được quyền điều chỉnh các quy định do HĐND tỉnh đã ban hành, như vậy chưa đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

UBTVQH nhận thấy, ý kiến tham gia là phù hợp và tiếp thu, điều chỉnh theo hướng, Quốc hội cho phép UBND cấp tỉnh báo cáo với Thường trực Hội đồng nhân dân cho phép điều chỉnh, báo cáo lại HĐND ở kỳ họp gần nhất để tạo sự linh hoạt, kịp thời cho địa phương.

Về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa cho hoạt động phát triển sản xuất (khoản 4), một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi, mức độ phức tạp của việc xác định giá, quy trình, thủ tục thanh, nhất là việc giao cho cấp xã xác định giá hàng hóa theo thị trường; xác nhận thủ tục thanh toán đối với các trường hợp mua hàng hóa của người dân, cộng đồng. UBTVQH xin tiếp thu, chỉnh lý tại khoản 4 dự thảo Nghị quyết.

Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (khoản 5), đa số ý kiến thống nhất không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu, đồng thời đề nghị cần làm rõ cơ sở xác định mức dưới 500 triệu và cần phải có nguyên tắc, cơ chế quản lý đối với các tài sản có giá trị từ 500 triệu trở lên.

UBTVQH thấy rằng, cơ sở để đề xuất mức dưới 500 triệu không áp dụng quy định quản lý tài sản công đã được Chính phủ giải trình làm rõ trong Tờ trình số 13/TTr-CP ngày 12/01/2024. Việc xác định dựa trên cơ sở tham khảo mức giá trị tài sản theo quy định về xác định giá trị tài sản, vật tư, vật liệu trong quá trình tổ chức thanh lý tài sản công quy định tại Điều 31 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 và quy định về giá trị tài sản lớn của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Đối với việc quản lý, hỗ trợ đối với tài sản có giá trị từ 500 triệu, UBTVQH tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, sửa đổi, bổ sung vào điểm b của Nghị quyết: “Đối với tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, có vốn hỗ trợ tối đa không quá 20% giá trị tài sản và không vượt quá tổng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo từng dự án cụ thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (khoản 7), tiếp thu ý kiến của đại biểu, UBTVQH đã thể hiện tại điểm a, khoản 7 dự thảo Nghị quyết, theo đó Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao nhiệm vụ cho cấp huyện được lựa chọn thí điểm. Đồng thời, giao Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn để quyết định lựa chọn không quá 02 huyện thực hiện thí điểm.

Về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp (khoản 8), UBTVQH tiếp thu, bổ sung vào điểm a, khoản 8 nội dung như dự thảo.

Về hiệu lực thi hành, UBTVQH thấy rằng, Nghị quyết có hiệu lực từ ngày ban hành cho đến khi Quốc hội có quy định khác là phù hợp trong khi thực hiện thí điểm.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 455 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 92,29 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025...

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo tại hội nghị
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo tại phiên bế mạc

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, về sự cần thiết đầu tư các dự án, danh mục các dự án sử dụng dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu NSTW năm 2022 đã được Chính phủ và các bộ, ngành và địa phương rà soát kỹ lưỡng về tính cần thiết, cấp thiết; việc bố trí vốn tập trung cho 05 ngành, lĩnh vực quan trọng, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội.

Đối với Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tờ trình của Chính phủ đã thuyết minh về sự cần thiết, nhu cầu, ý nghĩa của dự án cấp điện đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo đảm chủ quyền biển đảo quốc gia. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến ĐBQH về một số vấn đề cần lưu tâm khi triển khai Dự án, UBTVQH đã tiếp thu và thể hiện tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết.

Về các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư: Có ý kiến ĐBQH đề nghị chưa bố trí vốn cho các dự án này, tại kỳ họp này, Quốc hội chưa quyết định phân bổ cụ thể vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục. Dự thảo Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án. Khi đủ thủ tục đầu tư, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định trước khi Chính phủ giao vốn cho các Bộ, ngành, địa phương. Để bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả, kịp thời, cho phép trong trường hợp cấp bách, giữa 02 kỳ họp Quốc hội, báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Đối với dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ trình Quốc hội quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Về một số trường hợp bố trí vượt mức quy định tại khoản 2 Điều 89 của Luật Đầu tư công, theo Tờ trình của Chính phủ, hầu hết các dự án dự kiến bố trí đủ nguồn, riêng có 4 dự án: Trung tâm dữ liệu quốc gia, Trang bị trang phục chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mới cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng Ngoại tuyến giai đoạn 2021-2025, Đầu tư trang bị cho Công an phường, hiện còn chưa dự kiến được đầy đủ nguồn vốn theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, đây là các dự án quan trọng, cấp bách cần triển khai ngay để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH sẽ phối hợp với Chính phủ để tăng cường các nguồn lực như tăng thu, tiết kiệm chi, dự phòng ngân sách hằng năm để bố trí đủ vốn đáp ứng yêu cầu đầu tư cho các dự án.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 466 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,52%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

 

;
.