Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Thứ Hai, 15/01/2024, 14:21 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, chiều 15/1, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại kỳ họp
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại kỳ họp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết: Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6). Nội dung cụ thể:

Về tổ chức, quản trị điều hành của tổ chức tín dụng (Chương IV), dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh sửa các quy định tại Điều 47, 48 và 51 của dự thảo Luật.  Đối với khoản 1 Điều 59, đã chỉnh lý: “Trước khi kết thúc năm tài chính, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập đáp ứng yêu cầu theo quy định của Thống đốc NHNN để kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán hoạt động kiểm soát nội bộ đối với việc lập và trình bày báo cáo tài chính trong năm tài chính tiếp theo”.

Về nghiệp vụ ủy thác và đại lý, giao đại lý (Điều 113), dự thảo Luật bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 113 và tương tự tại các điều tương ứng với từng loại hình TCTD như sau: “Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc NHNN”.

Về giới hạn cấp tín dụng (Điều 136), dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng quy định lộ trình cụ thể tại khoản 1 Điều 136 dự thảo Luật với thời hạn giảm dần giới hạn cấp tín dụng trong 5 năm từ khi Luật có hiệu lực đến năm 2029 nhằm bảo đảm minh bạch, rõ ràng, đồng thời tránh tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhưng vẫn hạn chế việc tập trung tín dụng vào một khách hàng và một nhóm khách hàng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho đối tượng khách hàng khác.

Dự phòng rủi ro (Điều 147), dự thảo luật đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng Chính phủ quy định mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (khoản 3 Điều 147) do các nội dung này có liên quan đến các quy định về chế độ kế toán, thuế thu nhập doanh nghiệp... vì vậy cần có ý kiến tham gia của các bộ, ngành khác; đối với việc phân loại tài sản là nội dung chuyên môn của lĩnh vực ngân hàng thì thực hiện theo quy định của Thống đốc NHNN.

Về can thiệp sớm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Chương IX), dự thảo Luật đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định giao NHNN xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp, trong đó có trường hợp “a) Số lỗ lũy kế của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu” tại khoản 1 Điều 156.

Dự thảo Luật cũng bổ sung giải pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro cũng như quy mô của tổ chức tín dụng, tránh tình trạng có TCTD đang yếu kém mà vẫn tăng trưởng và mở rộng hoạt động như thời gian qua, đến khi phát hiện thì đã muộn (quy mô tăng lên rất nhanh do không bị kiểm soát về hoạt động và tăng trưởng tín dụng) khiến cho việc xử lý càng trở nên khó khăn hơn và phải sử dụng nhiều nguồn lực hơn.

Đối với nội dung rà soát, chỉnh sửa đồng bộ giữa các biện pháp, bảo đảm nguyên tắc tăng cường trách nhiệm của TCTD, cổ đông lớn, thành viên góp vốn, chủ sở hữu TCTD ngay từ sớm, giảm thiểu sự hỗ trợ từ Nhà nước trong giai đoạn này, dự thảo Luật tiếp thu theo hướng gắn với thẩm quyền của Chính phủ như sau: (i). Trường hợp số tiền phải trích lập dự phòng rủi ro lớn hơn chênh lệch thu chi từ kết quả kinh doanh hằng năm chưa bao gồm số tiền dự phòng rủi ro đã tạm trích trong năm thì số tiền trích lập dự phòng rủi ro bằng chênh lệch thu chi theo quy định của Chính phủ, đồng thời phải thuyết minh rõ số dự phòng rủi ro chưa trích lập theo quy định trong báo cáo tài chính, bao gồm cả báo cáo tài chính phải niêm yết công khai theo quy định của pháp luật liên quan; (ii). Trường hợp tổ chức tín dụng có lãi phải thu phải thoái, tổ chức tín dụng được phân bổ lãi phải thu phải thoái theo năng lực tài chính trên nguyên tắc tổng mức phân bổ lãi phải thu phải thoái và số tiền phải trích lập dự phòng bằng chênh lệnh thu chi từ kết quả kinh doanh hằng năm của tổ chức tín dụng. Thời gian phân bổ lãi phải thu phải thoái tối đa 05 năm kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và chỉ áp dụng cho khoản phải thu phát sinh đến thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản quy định tại khoản 2 Điều 156 của Luật này. Chính phủ quy định trường hợp tổ chức tín dụng có thời gian phân bổ lãi phải thu phải thoái lớn hơn 05 năm nhưng tối đa không quá 10 năm trong trường hợp cần thiết, đồng thời phải thuyết minh rõ số lãi dự thu phải thoái chưa phân bổ theo quy định trong báo cáo tài chính, bao gồm cả báo cáo tài chính phải niêm yết công khai theo quy định của pháp luật liên quan”.

Về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng (Chương X), dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng giao thẩm quyền cho NHNN xem xét, quyết định đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt khi thuộc một trong các trường hợp: (i). TCTD được can thiệp sớm không có phương án khắc phục gửi NHNN hoặc không điều chỉnh phương án khắc phục theo yêu cầu bằng văn bản của NHNN; (ii). Trong thời hạn thực hiện phương án khắc phục, TCTD được can thiệp sớm không có khả năng thực hiện phương án khắc phục; (iii). Hết thời hạn thực hiện phương án khắc phục mà TCTD không khắc phục được tình trạng cần can thiệp sớm; (iv). Bị rút tiền hàng loạt và có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống TCTD; (v). tỷ lệ an toàn vốn của TCTD thấp hơn 04% trong thời gian 06 tháng liên tục; (vi). TCTD bị giải thể không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ trong quá trình thanh lý tài sản”. Đồng thời, để có cơ sở xử lý các tình huống đặc biệt có thể phát sinh, kế thừa Luật Các TCTD hiện hành, dự thảo Luật quy định: “Trường hợp nhằm bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt, Chính phủ quyết định việc áp dụng biện pháp đặc biệt trên cơ sở đề xuất của NHNN và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.

Về xử lý trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt, vay, cho vay đặc biệt (Chương XI), dự thảo Luật đã: Chỉnh lý khoản 3 Điều 191 như sau: “Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước; vay đặc biệt từ tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; vay đặc biệt từ TCTD khác” để phù hợp với các TCTD có nhận tiền gửi cá nhân bị rút tiền hàng loạt. Chỉnh lý khoản 1 Điều 192 như sau: “Tổ chức tín dụng được vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng khác trong trường hợp sau đây: a) Để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền theo quy định tại Điều 191 của Luật này; b) Để thực hiện phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc.” bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 171 (cho phép công ty tài chính được vay đặc biệt để thực hiện phương án phục hồi, Điều 182 (cho phép ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc vay đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc) và Điều191 của dự thảo Luật (cho phép một số loại hình tổ chức tín dụng được vay đặc biệt trong trường hợp bị rút tiền hàng loạt) và Chỉnh lý khoản 2 và khoản 3 Điều 192.

Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (Chương XII), dự thảo Luật đã điều chỉnh bỏ các quy định sau tại Chương XII: Thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm; Kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; Hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính. Đồng thời: (i) Bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 200 của dự thảo Luật về chuyển nhượng dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ thực hiện theo pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan. (ii) Bổ sung tương ứng tại khoản 15 Điều 210 (Quy định chuyển tiếp) để chuyển tiếp đối với các hợp đồng bảo đảm có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản được ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Về chức năng thanh tra, giám sát ngân hàng (Chương XIII), dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng quy định: “NHNN có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan” tại khoản 1 Điều 207.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu bổ sung điều chỉnh một số nội dung về Điều khoản thi hành  tại Chương XV.

Cuối phiên thảo luận Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

CHÂU VŨ - ANH ĐÀO (Từ Hà Nội)

 

 

;
.