.
KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV

Hơn 2,5 ngàn tỷ đồng kéo điện ra Côn Đảo

Cập nhật: 17:54, 18/01/2024 (GMT+7)

Sáng 18/1, sau 3,5 ngày làm việc, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và bế mạc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh CHÂU VŨ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh CHÂU VŨ

Thông qua 2 luật và 2 nghị quyết

Với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Kỳ họp đã thông qua dự thảo Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách Trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào sáng 18/1.

Theo đó, Quốc hội cho phép sử dụng 63,725 ngàn tỷ đồng dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022. Cụ thể, phân bổ hơn 33,156 ngàn tỷ đồng cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực để thực hiện nhiệm vụ, dự án đủ thủ tục đầu tư đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Nhân viên Điện lực Côn Đảo kiểm tra đường dây điện. Ảnh: HỒNG PHÚC
Nhân viên Điện lực Côn Đảo kiểm tra đường dây điện. Ảnh: HỒNG PHÚC

Đối với số vốn còn lại hơn 30,568 ngàn tỷ đồng dự kiến bố trí cho các dự án đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 nhưng chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để xem xét, quyết định phân bổ.

Quốc hội quyết định sử dụng 2.526 tỷ đồng bổ sung cho EVN thực hiện dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cũng trong sáng 18/1, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương và 260 điều; Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 15 điều và 210 chương; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nhanh chóng đưa Luật đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ ngày 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH-HĐH, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống. Khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành các văn bản quy định chi tiết. Hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và DN. Tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; loại bỏ khâu trung gian, thực hiện phân cấp, phân quyền theo đúng quy định của Luật...

Về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024, Chủ tịch Quốc hội cho biết, với các nội dung được sửa đổi, bổ sung rất căn bản, toàn diện và đồng bộ, Luật Các tổ chức tín dụng được thông qua sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường định hướng XHCN, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự an toàn, lành mạnh, ổn định và bền vững của hệ thống.

Tăng cường tính công khai, minh bạch, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế phổ biến; hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý nợ xấu, tình trạng sở hữu chéo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại có giá trị gia tăng cao.

NGỌC NGUYỄN

.
.
.