Đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân thảo luận về dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng

Thứ Hai, 15/01/2024, 16:32 [GMT+7]
In bài này
.

Tham gia thảo luận tại hội trường về nội dung dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Dương Tấn Quân cho biết, cơ bản thống nhất với bố cục dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân thảo luận về dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng
Đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân thảo luận về dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng

Về nội dung cụ thể, Đại biểu Dương Tấn Quân cho biết, để đảm bảo an toàn trong hoạt động TCTD, minh bạch hóa việc sở hữu cổ phần của cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó, hạn chế tình trạng thao túng hoạt động của các TCTD, dự thảo Luật bổ sung một số nhóm người có liên quan bao gồm: “công ty con của công ty con của TCTD tại điểm a Điều 24; “ông bà nội, ông bà ngoại, cháu nội, cháu ngoại, cô, dì, chú, cậu, bác ruột, cháu ruột, cô ruột, dì ruột, cậu ruột” tại điểm d Điều 24; xác định rõ hơn đối tượng cá nhân được ủy quyền đại diện cho tổ chức, cá nhân là cá nhân được ủy quyền đại diện phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân.

Quy định nêu trên đã bảo đảm sự rõ ràng trong việc xác định người có liên quan tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, theo đại biểu đối với Quỹ tín dụng nhân dân, đề xuất Ban soạn thảo cân nhắc để thiết chế không áp dụng quy định tại điểm a, d khoản 24 Điều 4 Dự thảo Luật, do trên thực tế quy mô dư nợ tín dụng của khách hàng là pháp nhân chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu tổng dư nợ của Quỹ tín dụng nhân dân. Đồng thời, đối với người có liên quan là cá nhân của Quỹ tín dụng nhân dân tại điểm d khoản 24 Điều 4 giữ nguyên theo Luật hiện hành, chỉ bao gồm “Cá nhân với vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của người này”.

Về việc hợp nhất Giấp phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Điều 27 dự thảo Luật, đại biểu Quân nhận xét: Hiện nay theo Luật các TCTD hiện hành thì thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động tại Cơ quan đăng ký kinh doanh sau khi đã thực hiện thủ tục đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung Giấy phép tại Ngân hàng Nhà nước là trùng lặp, làm gia tăng chi phí cho cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tín dụng và toàn xã hội.

Vì vậy, đại biểu cho biết việc dự thảo Luật quy định việc hợp nhất Giấp phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là một bước đột phá trong giảm thiểu thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, phù hợp với chính sách chung của Chính phủ, giảm đáng kể thời gian, chi phí mà Cơ quan đăng ký kinh doanh và tổ chức tín dụng phải sử dụng nguồn lực vào việc thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Về quy định liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân, đại biểu phân tích: Thực tiễn thời gian quan việc Triển khai Nghị định số 13/2023/NĐ-CPngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hệ thống ngân hàng có nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Nghị định 13 quy định chủ thể có quyền được biết về việc xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp Luật khác có quy định khác (khoản 2 Điều 3 và khoản 1 Điều 9); Chủ thể có quyền không đồng ý xử lý dữ liệu cá nhân của mình (khoản 2 Điều 9); Chủ thể có quyền xóa, truy cập, yêu cầu hạn chế xử lý dữ liệu, phản đối xử lý dữ liệu, trừ trường hợp Luật khác có quy định khác (điều 9). Trong khi đó, theo hệ thống văn bản pháp luật lĩnh vực ngân hàng thì toàn bộ các hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu khách hàng nói chung, khách hàng cá nhân nói riêng được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật cấp độ dưới luật.

Mặt khác, đối với hoạt động ngân hàng, việc xử lý dữ liệu cá nhân tác động tới dữ liệu cá nhân như: thu thập, ghi, phân tích, xác nhận, lưu trữ, chỉnh sửa, công khai, kết hợp, truy cập, truy xuất, thu hồi… không chỉ để cung cấp dịch vụ cho khách hàng mà còn để quản lý hoạt động ngân hàng và quản lý rủi ro, bảo đảm an toàn an ninh của hệ thống tiền tệ nên nhiều hoạt động xử lý dữ liệu khách hàng cá nhân không thể và không phải cần sự chấp thuận của khách hàng.

Do vậy, đại biểu nhận định việc luật hóa các quy định này trong dự thảo Luật hiện nay vẫn chưa đủ để tháo gỡ vướng mắc trên từ thực tiễn. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc luật hóa rõ thêm vướng mắc từ thực tiễn vào luật.

Cuối phiên thảo luận Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà nội)

 

 

 

;
.