CUỘC THI VIẾT "HÀO KHÍ MIỀN ĐÔNG"

Tái hiện bức tranh tình đất, tình người miền Đông

Chủ Nhật, 21/01/2024, 17:09 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 20/1, tại TP.Vũng Tàu, Báo Thanh Niên đã phối hợp cùng KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Hào khí miền Đông” để vinh danh những tác giả xuất sắc. 

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam  và nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn trao giải Nhất cho tác giả Trần Đại (tỉnh Lâm Đồng).
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn trao giải Nhất cho tác giả Trần Đại (tỉnh Lâm Đồng).

 “Miền Đông ấy chính là Miền Thương”

Phát biểu khai mạc, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên cho biết, sau hơn 4 tháng diễn ra (từ 21/7-30/11/2023), Cuộc thi Hào khí miền Đông đã nhận được hơn 500 bài viết của phần lớn tác giả hiện đang sinh sống ở 7 tỉnh, thành Đông Nam Bộ (Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh). Ngoài ra, cuộc thi còn nhận được nhiều bài viết của các tác giả ở những vùng miền khác, từng có thời gian gắn bó hay ghé thăm và ấn tượng với tình đất, tình người miền Đông.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn xúc động bày tỏ: “Trong hàng trăm tác phẩm dự thi, chúng tôi cảm nhận được sự biết ơn của biết bao người dành cho vùng đất miền Đông “gian lao mà anh dũng”, khi đây vừa là “vùng đất của những khu công nghiệp” hay “vùng đất hứa” đã làm thay đổi cuộc đời của gia đình họ”.

Nhà thơ Lê Huy Mậu, thành viên Ban Giám khảo chia sẻ: “Nội dung các tác phẩm viết, dù tản văn, tạp bút hay bài báo, dù phản ánh hiện thực hay khám phá đời sống, hồi ức kỷ niệm hay cảm nhận tình đất, tình người… đều toát lên tình cảm, lòng tự hào, lòng biết ơn đối với vùng đất miền Đông, “vùng kháng chiến xưa” và “vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” ngày hôm nay”.

Còn trong cảm nhận của nhà văn Trần Nhã Thụy, mỗi bài viết như một mảnh ghép mà khi đọc hết, ta thử ghép lại sẽ thấy hiện lên như một bức tranh. Bức tranh đó có tên là: miền Đông. “Thử khởi đi từ mùi hương điều, mở rộng lồng ngực dưới rừng cây cao su, rong ruổi qua miền đất đỏ, thẳng ra biển hay ngược lên núi. Miền Đông, nơi nào cũng hào khí mà ấm áp nghĩa tình. Thủ thỉ chuyện miền Đông, chuyện thời khẩn hoang, chuyện tình làng nghĩa xóm, chuyện con người, chuyện thiên nhiên, chuyện hôm nay và chuyện mai sau. Tất cả có thể gói gọn trong một câu: Miền Đông ấy chính là Miền Thương”, nhà văn Trần Nhã Thụy tâm tình.

Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất “Sóc Chơ Ro ở Lý Lịch ngày ấy và bây giờ” cho tác giả Trần Đại (Lâm Đồng); 2 giải Nhì “Sài Gòn của ba”, tác giả Hải Dương (Đà Nẵng); “Về đất Đồng Nai ăn tô mì Quảng”, tác giả Nguyễn Thị Như Hiền (TP.Hồ Chí Minh); 3 giải Ba “Con sông linh thiêng”, tác giả Hoàng Ngọc Điệp (Đồng Nai); “Đặc sản má thích”, tác giả Ngọc Dung (Bình Phước); “Con kênh tự tình”, tác giả Én Nhỏ (TP.Hồ Chí Minh) và 6 giải khuyến khích. UBND tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Phước và Bà Rịa-Vũng Tàu còn trao giải thưởng cho các tác giả có bài viết hay về địa phương mình.

Những cung bậc cảm xúc

Giao lưu với tác giả đạt giải, cả hội trường như lặng đi trước những lời tâm sự của tác giả đặc biệt có bút danh Én Nhỏ (tên thật là Huỳnh Thanh Thảo). Chị Thanh Thảo đặc biệt không phải bởi chị là một nạn nhân chất độc da cam, đến với cuộc thi trên chiếc xe lăn, mà bởi chị chưa một ngày được đến trường. Nhiều năm trời, chị đã tự học tại nhà, rồi sau đó tự mở lớp học tình thương, dạy chữ cho những người không thể đến trường như mình.

Chị bước vào cuộc thi với… một nỗi sợ. Sợ câu chữ chưa chỉn chu, sợ không bày tỏ được trọn vẹn tình yêu với mảnh đất quê hương nơi mình sinh ra. Nhưng rồi chị suy nghĩ: “Đã là tình yêu thì không có rào cản, không cần đắn đo, suy nghĩ nhiều làm gì!”. Với cảm xúc dâng trào, chị đã “viết những dòng chữ nhỏ nhoi” để thể hiện tình yêu “lạ lắm”, tưởng xa mà gần với dòng kênh cách nhà chỉ vài bước chân.

Còn cô gái trẻ mang tên Hải Dương lại viết về “Sài Gòn của Ba”, nơi mà đầu năm ba sẽ tới, cuối năm ba lại về, cũng là vùng đất bao dung ba, ôm trọn ba vào lòng, để ba có thể nuôi sống gia đình nhỏ bé ở miền Trung của mình, nuôi dưỡng ước mơ của những đứa trẻ cách Sài Gòn ngàn cây số: “Giờ phút ngồi trên chiếc xe, cùng ba bon bon trên đường phố đông đúc, tôi chợt nhận ra ánh đèn Sài Gòn sao ấm áp cực kỳ. Ánh đèn xoa dịu đôi vai gầy guộc của ba, xoa dịu trái tim của kẻ tha hương cầu thực để xây giấc mơ bé bỏng cho tôi!”.

Cuộc thi năm nay, tác phẩm “Mắt thấy, tai nghe, trái tim cảm nhận luôn mang lại những điều chân thực nhất!” của tác giả Tâm Hòa được trao giải tác phẩm viết về Bà Rịa-Vũng Tàu hay nhất. Đó là những trang nhật ký ghi lại những dấu mốc nhỏ của của cô gái sinh ra và lớn lên ở Phú Yên có cơ hội học tập và làm việc ở Bà Rịa-Vũng Tàu gần 10 năm nay.

Tâm Hòa chia sẻ: “Rời quê, tôi nhập học Trường ĐH Dầu khí Bà Rịa-Vũng Tàu. Ra trường, tôi đã từng thử nghiệm môi trường làm việc ở TP.Hồ Chí Minh nhưng cơ duyên lại trở lại và gắn bó với Bà Rịa-Vũng Tàu gần 4 năm nay. Bài viết là lời yêu thương đối với mảnh đất này. Nơi đây chứng kiến sự trưởng thành của cô gái mười tám nhiều non nớt, vụng dại. Chứng kiến muôn vàn cung bậc cảm xúc của tôi để rồi luôn vỗ về, an ủi, ôm ấp và nâng đỡ tôi…”.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG - KHÁNH CHI

 
;
.