UBND tỉnh ban vừa hành Công văn số 680/UBND-VP đề nghị Sở VH-TT chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và UBND huyện Châu Đức căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích quốc gia Địa điểm trận chiến ngày 6/6/1969 tại Bình Ba, xã Bình Ba, huyện Châu Đức, theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Trước đó, Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 4248/QĐ-BVHTTDL ngày 29/12/2023 xếp hạng “Di tích lịch sử Địa điểm trận chiến ngày 6/6/1969 tại Bình Ba, xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu” vào danh mục di tích quốc gia.
Di tích lịch sử Địa điểm trận chiến ngày 6/6/1969 tại Bình Ba là khu tưởng niệm liệt sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 33 đã hy sinh trong trận đánh ác liệt giải phóng Bình Ba (ngày 6/6/1969). Trung đoàn 33-đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND chính thức thành lập ngày 15/2/1965, tiền thân là Trung đoàn 101 và Sư đoàn 325 Bình Trị Thiên. Trong suốt quá trình chiến đấu, Trung đoàn 33 đã có mặt trên khắp các chiến trường Tây nguyên, miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến trường Bà Rịa-Long Khánh.
Ngay tại xã Bình Ba, trong cuộc chiến đấu giải phóng Bình Ba (chiến dịch năm 1969), 53 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã anh dũng hy sinh. Hài cốt của các anh đã được đưa về yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng nhân dân địa phương vẫn tiếp tục thờ cúng tưởng nhớ các anh.
Khu di tích rộng 4.094m2, gồm: tượng đài, bia ghi danh 49 chiến sĩ bị địch đào hố chôn tập thể, nhà truyền thống trưng bày những hình ảnh các chiến sĩ trong quá trình tham gia chiến đấu với quân địch để bảo vệ Tổ quốc và những buổi họp mặt xúc động từ khi hòa bình lập lại đến nay của các chiến sĩ trên khắp mọi miền đất nước. Năm 2012, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã quyết định công nhận Khu tưởng niệm Trung đoàn 33 là di tích lịch sử cấp tỉnh.
HOÀNG BÁCH