Sớm triển khai kéo điện lưới quốc gia cho Côn Đảo

Thứ Năm, 02/11/2023, 18:21 [GMT+7]
In bài này
.

Tham gia chương trình thảo luận của Quốc hội tại hội trường sáng 2/11 về tình hình sau 3 năm thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục kiến nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm sớm triển khai khởi công đối với các dự án đầu tư kéo điện lưới quốc gia, nâng cấp sân bay và xử lý rác thải cho huyện Côn Đảo.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị sớm triển khai khởi công dự án đầu tư kéo điện lưới quốc gia cho huyện Côn Đảo. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị sớm triển khai khởi công dự án đầu tư kéo điện lưới quốc gia cho huyện Côn Đảo. Ảnh: CHÂU VŨ

Chuyển nguồn vốn đầu tư cao tốc

Đại biểu Nguyễn Thị Yến nhận định, nếu trong năm 2023, thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy rất lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm. Đồng thời, bày tỏ tin tưởng tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 sẽ vượt cao hơn mục tiêu 5% mà Chính phủ phấn đấu.

Do bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội thế giới và trong nước có nhiều yếu tố không thuận lợi, đại biểu Nguyễn Thị Yến kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét cho chuyển nguồn vốn tăng thu tiết kiệm chi khoảng 13 ngàn tỷ đồng đã đầu tư cho: Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1) chưa giải ngân hết trong năm 2023, được chuyển sang năm 2024 để tiếp tục chi, giải ngân, mà không thu hồi về ngân sách Trung ương vào cuối năm 2023.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, nếu thu hồi nguồn vốn không sử dụng hết về ngân sách, thì các dự án này sẽ gặp khó khăn về nguồn vốn và Chính phủ phải thực hiện các thủ tục để giao vốn lại sẽ mất thời gian, công sức, trong khi các dự án không thể dừng, vẫn phải bảo đảm tiến độ thi công theo các nghị quyết của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng đề nghị, Quốc hội và Chính phủ xem xét việc đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của các tỉnh có dầu khí, than đá và điện. Bởi theo thông lệ của quốc tế, tất cả nguồn lực của tỉnh nào phải được tính và đánh giá trên địa bàn tỉnh đó. Cụ thể như Bà Rịa-Vũng Tàu, nếu tính tăng trưởng GRDP chung tất cả nguồn lực, mà không phân ra là GRDP có tính dầu khí và GRDP không tính dầu khí, sẽ không đánh giá đúng bản chất nguồn lực và tăng trưởng của tỉnh, cũng như sự quản lý, lãnh đạo, điều hành tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

“Quốc hội và Chính phủ xem xét, khi đánh giá tăng trưởng GRDP của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2023 cần ghi thêm một cột, mục ghi chú là GRDP năm 2023 của tỉnh giảm 1,2% nhưng ở cột, mục ghi chú phải ghi thêm nội dung: Không tính dầu khí tăng 4,76%, để các bộ, ngành Trung ương, nhà đầu tư nhìn vào sẽ đánh giá tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tăng trưởng, chứ không phải không có sự tăng trưởng như nhìn vào mức gộp chung tất cả nguồn lực của GRDP. Có như vậy mới kích thích và thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh”, đại biểu Nguyễn Thị Yến kiến nghị.

Quy định linh hoạt về điều kiện hưởng lương hưu

Chiều 2/11, phát biểu thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Yến cơ bản thống nhất việc bổ sung 3 nội dung mới vào dự thảo Luật là: Trợ cấp hưu trí xã hội; Quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội và Đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội... Tuy nhiên, có một số quy định, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, xem xét, bổ sung gồm:

Về điều kiện hưởng lương hưu (Điều 98), đại biểu Nguyễn Thị Yến nhận thấy, việc quy định giảm số năm đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm, nhưng tuổi hưu vẫn ở mức 60 đối với nữ và 62 đối với nam, nhằm tăng độ bao phủ của chính sách an sinh, tạo điều kiện cho những người tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn, thì được quyền tiếp cận quyền lợi từ BHXH và có tiền khi về già.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, không nên quy định cứng, mà có sự linh hoạt đối với lao động ở từng khối ngành, lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, lao động ở lĩnh vực công nghiệp như: công nhân dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản, lắp ráp điện, điện tử… chiếm số lượng lớn, thâm dụng lao động rất cao. Họ có tuổi nghề ngắn, nữ công nhân bước sang tuổi 40 thì cơ hội lao động bị thu hẹp, hoặc phải chuyển nghề, khi 40-50 tuổi thì rất khó có thể tiếp tục làm việc. Do tuổi nghề đã hết, nhưng tuổi về hưu thì chưa tới, nên nhóm này thường chọn rút BHXH một lần, bởi họ không thể chờ thêm 5 năm, 10 năm hay lâu hơn để đủ tuổi về hưu và lãnh lương hưu.

NGỌC NGUYỄN

;
.