Quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự

Thứ Tư, 15/11/2023, 19:19 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 15/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Quang cảnh phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày, tại Kỳ họp thứ 6, thảo luận về nội dung này, có ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc khi luật này được ban hành thì có thể làm tăng biên chế và chi ngân sách nhà nước. Do đó, cần phải tính toán kỹ lưỡng và hoàn thiện các quy định có liên quan của dự thảo luật nhằm bảo đảm cân đối nguồn lực, bao gồm cả tài chính, cơ sở vật chất và con người.

Sau khi có yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tác động về biên chế, kinh phí và điều kiện bảo đảm cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Theo báo cáo của Chính phủ, với việc hình thành Tổ bảo vệ an ninh trật tự và dự tính kinh phí thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn hiện nay.

Về tiêu chuẩn tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Điều 13), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định độ tuổi tối đa để bảo đảm điều kiện sức khỏe thực hiện nhiệm vụ; đề nghị cân nhắc quy định về tiêu chuẩn văn hóa để bảo đảm tính khả thi. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung, chỉnh lý.

Cụ thể, Điều 13 dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh lý để quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia là từ đủ 18 tuổi đến 70 tuổi, trường hợp từ 70 tuổi trở lên mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch UBND xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã.

Đồng thời, chỉnh lý quy định trình độ văn hóa là có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên; đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đánh giá rất cao việc tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự thảo luật.

Đặc biệt, Quốc hội đánh giá cao mô hình tổ chức lực lượng, cơ chế, nguyên tắc lãnh đạo, chỉ huy điều hành và đã cụ thể hóa một bước trong việc bổ sung một số trách nhiệm có tính chất “quyền” của lực lượng này. Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, việc tiếp thu về vấn đề này như trong báo cáo là rất hợp lý.

Về mô hình, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là mô hình do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của quần chúng, hoạt động theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, quản lý. Cơ chế này đã được thể hiện rõ. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp, dự thảo luật đã thể hiện rõ nguyên tắc tổ chức, lãnh đạo lực lượng này, bảo đảm đúng với tính chất của lực lượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, về việc bảo đảm điều kiện kinh phí, so với mức chi trả hiện hành là không làm tăng thêm về ngân sách. Việc tăng thêm sau này có thể do địa phương quy định để bảo đảm cao nhất yêu cầu về an ninh trật tự tại mỗi địa phương, tùy theo tình hình thực tế.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự thảo luật, hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại đợt 2 Kỳ họp thứ 6.

Bài, ảnh: XUÂN TÙNG

 
;
.