Quy định rõ điều kiện xe đưa đón học sinh

Thứ Sáu, 24/11/2023, 18:13 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 24/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Đường bộ; dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Đường bộ. Ảnh: Q.H
Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Đường bộ. Ảnh: Q.H

Đề xuất ưu tiên vận tải hành khách công cộng khối lớn

Thảo luận về dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nhấn mạnh về sự cần thiết xây dựng dự thảo Luật. Theo đại biểu, sau 14 năm triển khai thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nước ta đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ…

Tuy nhiên, thực tiễn đã xuất hiện một số bất cập và tồn tại các vấn đề mới phát sinh, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện tại các thành phố lớn. Cửa ngõ ra vào các tỉnh, thành phố thường xuyên có lưu lượng phương tiện tăng đột biến, gây tắc nghẽn trên diện rộng và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Do đó, Chính phủ đã nghiên cứu Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 luật là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 là phù hợp với thực tiễn.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương), khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật Đường bộ quy định chính sách “ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt”.

Đại biểu cho rằng, quy định như vậy là chưa phù hợp. Phát triển vận tải hành khách công cộng có nhiều loại hình, nhiều loại phương tiện, nên quy định chung theo hướng “ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng khối lớn” để bảo đảm bao quát hơn.

Vận tải hành khách công cộng khối lớn là thuật ngữ chuyên ngành gồm đường sắt đô thị (đường tàu điện ngầm, đường tàu điện đi trên mặt đất, đường tàu điện trên cao, đường sắt một ray tự động dẫn hướng, đường xe điện bánh sắt), hệ thống xe buýt.

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị cần bổ sung nội dung ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn. Đồng thời, cần cụ thể hóa chính sách ưu tiên phát triển đường bộ phục vụ các đối tượng dễ bị tổn thương (người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai...) trong các điều luật của Dự thảo.

Quy định về thiết bị giám sát hành trình là cần thiết

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, việc quy định về thiết bị giám sát hành trình là rất cần thiết để giám sát các vi phạm. Tuy nhiên, đối tượng áp dụng còn khá rộng. Cụ thể tại điểm c khoản 1 Điều 33 về điều kiện tham gia giao thông có quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh của người lái xe, dữ liệu hình ảnh bảo đảm an toàn theo quy định.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, quy định như vậy có thể hiểu là tất cả các loại xe gồm cả xe cá nhân, không loại trừ xe thuộc các trường hợp có quy định riêng của Đảng, Nhà nước đều phải gắn giám sát hành trình. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải cân nhắc tính phù hợp và thống nhất.

Trong chương trình làm việc ngày 24/11, với đa số đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Viễn thông (sửa đổi).

Quan tâm đến an toàn của HS từ nhà đến trường, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) cho biết, thời gian qua nhiều tai nạn thương tâm xảy ra liên quan đến xe đưa đón HS. Do đó, việc dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ bổ sung quy định về xe đưa đón HS tại Điều 46 là rất nhân văn, thể hiện chủ trương bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị xem xét cơ sơ pháp lý, cơ sở thực tiễn khi quy định về niên hạn xe đưa đón HS không quá 15 năm, lý giải vì sao là 15 năm cần đối chiếu với quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện xe tham gia giao thông và đối với từng loại xe.

Đại biểu cũng cho rằng chưa có cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn về việc quy định trên xe đưa đón HS từ 24 HS trở lên thì phải bố trí trên xe phải có 2 người. Đề nghị đánh giá cho phù hợp quy định này. Đại biểu đề xuất nghiên cứu thêm xe đưa đón HS cần có màu sắc riêng, hoặc lắp đặt công cụ nhận diện.

Về điều kiện của người lái xe đưa đón HS, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị chuyển quy định này từ dự thảo Luật Đường bộ sang luật này. Đại biểu đề nghị cân nhắc người lái xe đưa đón học sinh cần quy định phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm.

NGỌC NGUYỄN

;
.