Sáng 10/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu |
Áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu mang lại nhiều cơ hội mới
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớt cho biết, Thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. Theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Thuế tối thiểu toàn cầu có bản chất là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và các nước cần quy định trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp.
Việc áp dụng các quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới, cụ thể như: Tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung; Tăng cường hộp nhập quốc tế; Hạn chế hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.
Theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì Quốc hội “quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế”. Vì vậy, việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (Thuế tối thiểu toàn cầu).
Bộ trưởng Bộ Tài chính xác định: Xây dựng chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng từ năm 2024 (bao gồm quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) và thuế tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn (QDMTT)).
1/1/2024 sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế toàn cầu gồm 8 Điều. Nghị quyết này quy định việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với người nộp thuế theo quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu tại phiên họp |
Về người nộp thuế, quy định Công ty thành viên của Tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty mẹ tối cao ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu EUR trở lên, trừ các tổ chức của chính phủ, Tổ chức quốc tế, Tổ chức phi lợi nhuận, Quỹ hưu trí, Quỹ đầu tư là Công ty mẹ tối cao, Tổ chức đầu tư bất động sản là Công ty mẹ tối cao và các Tổ chức có ít nhất 85% giá trị tài sản thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức nêu trên và Điều 3 là Giải thích từ ngữ áp dụng trong Nghị quyết.
Quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) với các nội dung chính của Quy định thuế tối thiểu toàn cầu bao gồm: Đối tượng áp dụng là công ty thành viên hoặc tập hợp các công ty thành viên của Tập đoàn đa quốc gia theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong năm tài chính; Quy định cách xác định Thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn; Quy định trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn sẽ được xác định bằng 0.
Quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) với các nội dung chính bao gồm: Đối tượng áp dụng là công ty thành viên theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết tại Việt Nam là công ty mẹ tối cao, công ty mẹ bị sở hữu một phần, công ty mẹ trung gian theo quy định của Chính phủ, nắm giữ (trực tiếp hoặc gián tiếp) quyền sở hữu công ty thành viên chịu thuế suất thấp tại nước ngoài theo Quy định thuế tối thiểu toàn cầu tại bất kỳ thời điểm nào trong năm tài chính; Quy định cách xác định tổng số thuế bổ sung tại một nước, cách phân bổ thuế bổ sung cho các công ty thành viên và thuế phân bổ cho công ty mẹ từ thuế bổ sung của công ty thành viên chịu thuế suất thấp; Quy định trường hợp thuế bổ sung tại một nước sẽ được xác định bằng 0.
Thời hạn nộp tờ khai thông tin theo Quy định thuế tối thiểu toàn cầu, tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung kèm theo bản thuyết minh giải trình chênh lệch do khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán tài chính và nộp thuế cho cả 2 trường hợp: Trường hợp áp dụng quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn và Trường hợp áp dụng quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu; Phần thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo Quy định thuế tối thiểu toàn cầu được nộp vào ngân sách trung ương theo quy định; Tỷ giá ngoại tệ để xác định ngưỡng doanh thu, thu nhập; Giảm trừ trách nhiệm trong giai đoạn chuyển tiếp cho các năm tài chính bắt đầu từ hoặc trước ngày 31/12/2026, nhưng không bao gồm năm tài chính kết thúc sau 30/6/2028; Công ty thành viên được lựa chọn sử dụng phương pháp tính toán đơn giản để xác định việc đáp ứng các tiêu chí giảm trừ trách nhiệm sau: lợi nhuận tính thuế bổ sung; doanh thu và thu nhập bình quân; thuế suất thực tế; Số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đã nộp theo quy định tại Nghị quyết này có thể được bù trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại Việt Nam tương ứng đối với phần thu nhập nhận được do đầu tư ở nước ngoài và
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết Nghị quyết này nếu được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024 cho đến ngày Nghị quyết này được thay thế bởi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Về dự kiến nguồn lực để thi hành Nghị quyết được bố trí từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Về điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Nghị quyết của Quốc hội bao gồm các nội dung được xác định như: Ban hành văn bản quy định chi tiết: Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo phù hợp với quy định mẫu và hướng dẫn của OECD. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ thực hiện phổ biến Nghị quyết của Quốc hội và các quy định liên quan. Bộ Tài chính xây dựng nội dung thông tin, tuyên truyền phổ biến những yêu cầu, nội dung và các quy định tại Nghị quyết của Quốc hội kịp thời đến các cơ quan, tổ chức và người dân, giúp hiểu biết, nắm bắt pháp luật kịp thời để thực hiện.
Sau khi nghe Báo cáo nội dung Tờ trình của Chính phủ Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ đại biểu đối với nội dung Dự thảo Nghị quyết.
CHÂU VŨ - MINH THIÊN