Quốc hội thảo luận về việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025

Thứ Năm, 02/11/2023, 10:52 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 2/11, thảo luận về tình hình sau 3 năm thực hiện Kế hoạch đầu tư công (KHĐTCTH) trung hạn giai đoạn 2021-2025, các vị đại biểu Quốc hội nhận định: Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết 29 đặt ra, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tập trung phân bổ, điều chỉnh vốn cho các dự án có khả năng giải ngân

Về dự kiến thực hiện 2 năm còn lại của của KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội cho rằng, với thực tế bố trí vốn NSTW hiện nay, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm chậm, cân đối nguồn cho chi đầu tư công không đạt kế hoạch, yêu cầu cân đối nguồn vốn trong 2 năm còn lại là khá lớn. Bên cạnh đó, vốn bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 giải ngân rất thấp, tạo áp lực lớn cho bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện giải ngân vốn.

Do vậy, khả năng cân đối đủ nguồn vốn NSTW là hết sức khó khăn để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn trong 2 năm còn lại của KHĐTCTH trong khi vai trò chủ đạo của NSTW chưa đảm bảo, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thuộc NSTW dự kiến hụt thu lớn.

Các vị đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ khả năng cân đối vốn thực tế, tình hình giải ngân vốn đã phân bổ 3 năm qua, tập trung phân bổ, điều chỉnh vốn cho các dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Về kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài, các vị đại biểu đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ cho vay vốn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, tránh kéo dài, lãng phí nguồn lực. Chính phủ cần đàm phán, thống nhất với các nhà tài trợ để hài hòa quy định của nhà tài trợ với luật pháp trong nước và xây dựng phương thức vay vốn mới, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay.

Đánh giá kỹ khả năng thu tiền sử dụng đất của các địa phương

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận

Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với dự kiến của Chính phủ và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện theo đúng Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội và Luật Đầu tư công.

Ngoài ra, qua thực tiễn giám sát tại một số địa phương, các vị đại biểu, trong năm 2023, hầu hết địa phương giao kế hoạch đầu tư công từ nguồn thu cấp quyền sử dụng đất cao, trong khi kết quả thu năm 2023 từ nguồn này dự kiến đạt thấp, điều này ảnh hưởng đến cân đối, bố trí vốn cho các dự án đầu tư công. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương đánh giá kỹ về khả năng thu tiền sử dụng đất đề có giải pháp xử lý phù hợp; điều chỉnh các dự án theo quy định; đồng thời, xây dựng kế hoạch năm 2024 bảo đảm tính khả thi, sát thực tế tránh bị động trong thực hiện cân đối thu, chi NSNN, có thể dẫn đến các dự án thiếu vốn, dở dang, kéo dài, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện trong các năm tiếp theo.

Về dự phòng chung của KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025, các vị đại biểu cho rằng, tại thời điểm này Quốc hội chưa xem xét việc sử dụng vốn dự phòng chung KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025, đồng thời đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ khả năng giải ngân số vốn KHĐTCTH đã được giao và khả năng hoàn thành thu NSNN trong giai đoạn 2021-2025, báo cáo Quốc hội xem xét khi cân đối được nguồn vốn theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công.

Qua thảo luận, các vị đại biểu đã có một số kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiêm túc thực hiện quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN và các Nghị quyết của Quốc hội. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí và tuân thủ đúng quy định của pháp luật…

Cuối phiên thảo luận, Quốc hội sẽ nghe các thành viên Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN 

 

;
.