Quốc hội thảo luận về tình hình ngân sách nhà nước

Thứ Năm, 02/11/2023, 10:37 [GMT+7]
In bài này
.

* Nhất trí lộ trình cải cách tiền lương từ 1/7/2024

Trong chương trình Kỳ họp thứ 6 vào sáng 2/11, quốc hội đã thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Cần đánh giá lại khả năng thu NSNN

Về tình hình thu NSNN, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù ước tổng thu NSNN cả năm đạt dự toán là kết quả cố gắng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, song về thực chất vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Một số vị đại biểu đề nghị đánh giá kỹ tỷ lệ huy động vào NSNN, vì chỉ đạt được 15,7% GDP, thấp hơn yêu cầu quy định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và thấp hơn so với năm 2022 (17,2%GDP) và đề nghị cần đánh giá lại khả năng thu NSNN, bảo đảm sát với thực tế vì có khoản thu vẫn còn dư địa tăng thêm như dầu thô.

Nhiều ý kiến cho rằng, vai trò chủ đạo của NSTW đang bị ảnh hưởng, có xu hướng ngày càng giảm, do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc và điều hành theo biến động của nền kinh tế để có giải pháp phù hợp đảm bảo cân đối NSTW và sớm cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/9/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương và điều chỉnh lại một số khoản thu từ thuế nhằm góp phần tăng nguồn lực cho NSTW, nhất là trong điều kiện ban hành nhiều cơ chế đặc thù cho một số địa phương, trong đó có những chính sách tác động tới cơ cấu thu chi NSNN, cần bảo đảm đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu liên vùng; hỗ trợ các địa phương vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, hải đảo để phát triển kinh tế-xã hội, giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền

Các vị đại biểu nhận định thu NSNN năm 2023 chịu tác động của việc thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, nên cần đánh giá hiệu quả chính sách tới nền kinh tế, đặc biệt là chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2%, làm căn cứ cho việc xem xét, ban hành các chính sách tiếp theo. Việc ban hành chính sách miễn, giảm thuế, phí sau khi dự toán năm 2023 được phê duyệt làm tác động lớn đến cân đối NSĐP.

Tiếp tục cắt giảm các khoản chi không thực sự cần thiết

Mặc dù NSĐP  tăng so với dự toán nhưng không đồng đều, nhiều địa phương vẫn hụt thu, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương phấn đấu tăng thu, tiếp tục cắt giảm các khoản chi không thực sự cần thiết, sử dụng nguồn dự phòng để bảo đảm hoàn thành dự toán cuối năm; trường hợp vẫn còn hụt thu, cần xem xét, có kế hoạch hỗ trợ theo quy định của Luật NSNN, đặc biệt những địa phương bị giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí.

Các vị đại biểu cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ khả năng ước thực hiện hoàn thuế GTGT để đánh giá chính xác khả năng thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Một số ý kiến đề nghị báo cáo cụ thể về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ở trung ương và có giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng đồng thời phải bảo đảm tính hiệu quả, chặt chẽ, tránh gây thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp đồng thời đề nghị đánh giá kỹ nguyên nhân của tình trạng nợ đọng thuế tăng so với cuối năm 2022, trong đó, cần làm rõ nguyên nhân chủ quan trong quản lý nguồn thu.

Một số vị đại biểu cho rằng, tình trạng gian lận, trốn thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp, gây thất thu NSNN, đề nghị Chính phủ kịp thời có giải pháp khắc phục

Làm rõ trách nhiệm việc giải ngân vốn đầu tư công chậm

Về chi NSNN năm 2023, một số vị đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, có giải pháp cho những tháng cuối năm đồng thời đề nghị cần quan tâm đảm bảo việc cung cấp nguyên vật liệu, trang thiết bị để hoàn thành dự án đúng tiến độ, chuyển kinh phí tại các công trình triển khai chậm sang thực hiện các công trình ưu tiên đảm bảo tiến độ. Vấn đề vật liệu, đất san lấp, giải phóng mặt bằng cho các công trình giao thông cần phải tiếp tục tháo gỡ.

Về cân đối và bội chi NSNN, nhiều vị đại biểu cho rằng, việc giảm bội chi NSNN vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa tích cực, như: giảm bội chi do cắt giảm những khoản chi chậm phân bổ, không triển khai, không giải ngân được, đặc biệt là nguồn vốn ODA. Vấn đề này đã diễn ra trong nhiều năm, đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm, đồng thời tiếp tục rà soát lại các khoản thu, chi NSNN, phấn đấu tăng thu để giảm bội chi NSNN năm 2023, nhưng có giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hạn chế tối đa việc không giải ngân được, phải hủy dự toán, gây lãng phí nguồn lực, phát sinh chi phí cam kết với nhà tài trợ

Về dự toán ngân sách năm 2024, đối với thu NSNN, đề nghị Chính phủ xây dựng dự toán thu NSNN sát với thực tế hơn dựa trên các nguyên tắc sau: căn cứ vào diễn biến thu ngân sách 3 năm gần đây; tốc độ tăng trưởng kinh tế; dự kiến các chính sách thuế mới ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN…

Nhất trí lộ trình cải cách tiền lương từ 1/7/2024

Về chi NSNN, nhiều ý kiến đề nghị việc xây dựng dự toán, phân bổ, quản lý, điều hành chi NSNN phải thực hiện nghiêm các quy định của Hiến pháp, Luật NSNN và các quy định pháp luật có liên quan, cùng các quy định về định mức chi đầu tư, chi thường xuyên; các khoản chi NSNN phải được dự toán. Các vị đại biểu nhất trí thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024 và đề nghị cần tính toán thận trọng, cân đối hợp lý, có lộ trình phù hợp, bảo đảm công bằng xã hội. Một số ý kiến đề nghị trung ương phải có nguồn để hỗ trợ địa phương trong việc thực hiện các chính sách trung ương đề ra.

Bên cạnh đó, các vị đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo tổng thể chính sách cải cách tiền lương và cân đối nguồn lực trong việc thực hiện cải cách tiền lương giai đoạn 2024-2026 và dự báo đến năm 2030, trong đó ngoài chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, cần tính đến nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách lương, phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn, bản... để bảo đảm tính khả thi, ổn định lâu dài theo lộ trình mà Nghị quyết 27 đã quy định.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, phù hợp; có chính sách động viên nguồn thu trong giai đoạn tiếp theo khi áp lực tăng chi NSNN khá cao khi thực hiện cải cách tiền lương…

CHÂU VŨ - MINH THIÊN

 

;
.