Quốc hội thảo luận về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Thứ Tư, 01/11/2023, 16:56 [GMT+7]
In bài này
.

Liên quan đến kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vào các ngày 31/10 và 1/11 tại Hội trường Diên Hồng, các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm của Chính phủ trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội  Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp

 Chính phủ đã tổ chức rà soát đối với các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật (trừ Hiến pháp) do các cơ quan ở trung ương ban hành, còn hiệu lực đến thời điểm rà soát, tập trung vào 22 lĩnh vực trọng tâm được Nghị quyết số 101 xác định và các lĩnh vực khác được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc được các địa phương, người dân, doanh nghiệp kiến nghị.

Trong tổng số 523 văn bản được rà soát có: 66 luật, 2 pháp lệnh, 8 nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 167 nghị định, 63 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 217 thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

Đánh giá khái quát kết quả rà soát, các vị đại biểu Quốc hội nhận định về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát nói chung và trong 22 lĩnh vực trọng tâm nói riêng đều phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; phù hợp với quy định của Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên có 18/22 lĩnh vực trọng tâm được nêu tại Nghị quyết số 101 qua rà soát có quy định được đánh giá là có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bất cập, vướng mắc. Các đại biểu QH đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm đối với một số nhận định, đánh giá tại Báo cáo của Chính phủ và các phụ lục kèm theo chưa thực sự phù hợp, cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ. Trong đó: Một số nhận định chưa chính xác; Một số nội dung vướng mắc, bất cập là do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành hoặc do công tác tổ chức thực hiện chưa tốt chứ không phải do quy định của luật có bất cập; Một số nội dung nhận định là vướng mắc, bất cập nhưng là vấn đề quan điểm, chính sách pháp luật đã được Quốc hội, Chính phủ thảo luận và quyết định khi ban hành văn bản; Có trường hợp vướng mắc là vấn đề thực tiễn phát sinh cần có giải pháp chính sách để xử lý, không phải do quy định của pháp luật có bất cập...

Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chụp hình lưu niệm tại phiên họp
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chụp hình lưu niệm tại phiên họp

Bên cạnh đó, các vị đại biểu cho rằng: Qua nghiên cứu Báo cáo số 587/BC-CP và các phụ lục kèm theo, các cơ quan của Quốc hội nhận thấy còn một số nội dung nhận định được nêu trong Báo cáo của Chính phủ chưa thật sự phù hợp, cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ như: Báo cáo của Chính phủ cho rằng, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quy định đầu tư PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, trong khi đây là lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực lớn, ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này tương đối thấp và kiến nghị bổ sung lĩnh vực văn hóa vào lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP tại Điều 4 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, đây là vấn đề quan điểm, chính sách pháp luật, đã được Quốc hội thảo luận và thống nhất quy định lĩnh vực đầu tư PPP tập trung vào 05 nhóm lĩnh vực quan trọng, thiết yếu và đã có thực tiễn triển khai trong 20 năm qua. Hiện nay, Quốc hội mới chỉ cho phép Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm áp dụng phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa và thể thao. Liên quan đến Luật Du lịch, Báo cáo của Chính phủ nêu Nghị định số 01/2023/NĐ-CP về cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã được tổ chức lại thành Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tuy nhiên, Luật Du lịch vẫn quy định nhiệm vụ thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp là Tổng cục Du lịch dẫn đến những vướng mắc khi thực hiện; đây là vấn đề vướng mắc do công tác tổ chức thực hiện, không phải do quy định của luật.

Để kịp thời xử lý những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc vướng mắc, bất cập đã được nhận diện các vị đại biểu Quốc hội đề nghị: Với các nội dung thuộc 2 dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6, đề nghị Ủy ban Kinh tế khẩn trương nghiên cứu tiếp thu, có phương án xử lý khắc phục các vướng mắc, bất cập trong các dự thảo luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội thông qua.

Với các nội dung thuộc Luật Đấu giá tài sản, đề nghị Ủy ban Kinh tế nghiên cứu xử lý trong quá trình giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Với các nội dung thuộc 2 luật (Luật Di sản văn hóa và Luật Dược) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo 2 dự án luật khẩn trương nghiên cứu tiếp thu, khắc phục vướng mắc, bất cập trước khi trình Quốc hội.

Với các nội dung thuộc các luật chưa được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhưng đã được xác định là nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15: đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan được phân công chủ trì việc nghiên cứu, rà soát cần cập nhật, bổ sung kết quả của đợt rà soát này; chuẩn bị hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian sớm nhất.

Với các nội dung thuộc các luật chưa có trong nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15: đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tổng kết, cập nhật kết quả rà soát; chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Với các nội dung thuộc các văn bản dưới luật, để kịp thời khắc phục những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo lĩnh vực phụ trách lập danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; xác định rõ tiến độ và đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành văn bản mới theo thẩm quyền; đồng thời, gửi danh mục này đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo và các cơ quan có liên quan của Quốc hội để giám sát việc thực hiện.

Do khối lượng công việc rà soát rất lớn, do đó các vị đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ trong thời gian tới cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, làm rõ các nội dung qua rà soát cho thấy có vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định của pháp luật để đề xuất hướng xử lý cụ thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN

 

;
.