Nghị quyết 6 vùng: Tạo ý chí và khát vọng mới để khơi dậy tiềm năng vùng

Thứ Năm, 02/11/2023, 11:30 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành sáu Nghị quyết mới về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh sáu vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đây là một chủ trương mới với nhiều kỳ vọng nhằm khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế-chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới.

Tầm nhìn mới, mục tiêu mới để phát triển nhanh, bền vững

Chú trọng phát triển hài hòa các vùng, miền trong cả nước, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: "Bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền; thúc đẩy phát triển nhanh các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời tạo điều kiện phát triển các vùng có nhiều khó khăn;…giảm dần tình trạng chênh lệch giàu-nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư;… Các chính sách kinh tế-xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc".

Hơn 20 năm qua, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết chuyên đề và 6 Kết luận về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng. Được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện, các nghị quyết đã tạo những chuyển biến tích cực, hạ tầng kinh tế-xã hội,nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư, cải thiện đáng kể việc kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa các vùng trong cả nước. Trước đây nhiều cung đường từ địa phương này sang địa phương khác thời gian đi lại mất hằng ngày, thậm chí là hơn, nhưng khi đường giao thông được mở rộng, cải tạo nâng cấp, nhất là khi có đường cao tốc thì thời gian đi lại chỉ tính bằng giờ. Hệ thống đường cao tốc chưa bao giờ được triển khai quyết liệt, nhanh và hiệu quả như mấy năm gần đây. Ước tính cả nước hiện có gần 1.900 km đường cao tốc. Nhiều tuyến cao tốc trọng điểm Bắc- Nam, hoặc kết nối giữa các vùng kinh tế động lực đượcđưa vào sử dụng đã trở thành huyết mạnhgiao thông, làm thay đổi nhanh chóng sự giao lưu, giao thương giữa các vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm cho quốc phòng và an ninh. Nhờ đó một số địa phương, ngành có những phát triển bức phá, trở thành điểm sáng của vùng.

Tuy nhiên, để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng vùng thì còn rất nhiều việc để làm.Thể chế phát triển, điều phối kinh tế vùng chưa được quan tâm và chậm cụ thể hóa bằng pháp luật,cho nên liên kết vùng còn lỏng lẻo; khoảng cách giữa các vùng chưa được thu hẹp như mong muốn. Đơn cử như Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 37, ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX, nơi đây vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước, các tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hiệu quả; giao thông đi lại còn khó khăn hơn nhiều so với các vùng khác... Đó là một trong những “điểm nghẽn” có hóa giải được thì vùng đất khó này mới có cơ hội để phát triển.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: Cơ cấu lại kinh tế vùng, đổi mới thể chế liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng, phát huy vai trò các vùng kinh tế động lực, quan tâm phát triển các vùng còn khó khăn, thu hẹp chệnh lệch phát triển giữa các vùng. Nâng cao chất lượng quy hoạch vùng; đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý vùng có hiệu quả, phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của từng vùng, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng.

Cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội, sáu nghị quyết phát triển vùng mà Bộ Chính trị ban hành lần này là nhằm tạo bước đột phá mới trong phát huy vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của các vùng trong giai đoạn mới.

Các nghị quyết lần này có nhiều điểm mới với tầm nhìn bao quát hơn và xa hơn; mục tiêu đề ra cao hơn, thậm chí làm hoàn toàn mới. Quan điểm, nhận thức và tư tưởng chỉ đạo trong các nghị quyết được kế thừa phát triển các nghị quyết trước, nhưng có nhiều điểm mới để tạo bước phát triển đột phá cho từng vùng, đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển chung của cả nước.

Trước đây, các nghị quyết phát triển vùng thường xác định phương hướng, nhiệm vụ trong khoảng thời gian 10 năm, nhưng lần này, nghị quyết xác định rõ  phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2030, đồng thời đưa ra tầm nhìn đến năm 2045, tức là khoảng thời gian thực hiện lên đến hơn 20 năm. Tầm quan trọng, vai trò, vị trí của từng vùng được đánh gía toàn diện, sát hơn với đặc điểm, tình hình của giai đoạn mới. Nhiều quan điểm chỉ đạo được thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn, như khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và an ninh nguồn nước; gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Không phát triển bằng mọi giá mà phù hợp với chiến lược phát triển nhanh, bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu,... Trong phát triển lấy con người làm trung tâm, tôn trọng các quy luật tự nhiên và phù hợp với vị trí, vai trò của từng vùng.

Về mục tiêu, có vùng được xác định hoàn toàn mới, như Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nếu Nghị quyết số 21 trước đây không đề cập thì Nghị quyết lần này xác định rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phấn đấu đến năm 2030, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia,…. Đến năm 2045, có trình độ phát triển khá so với cả nước; cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu; kinh tế phát triển năng động, hiệu quả với cơ cấu phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người...

Những điểm mới trong các nghị quyết lần này vừa thể hiện tầm nhìn, vừa là ý chí và khát vọng của từng vùng cũng như của toàn Đảng, toàn dân biến Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành hiện thực, phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

“Trên dưới đồng lòng dọc ngang thông suốt”

Để có ý chí và quyết tâm biến chủ trương của Đảng thành hiện thực, trước hết phải thống nhất về tư tưởng và nhận thức. Tư tưởng có thông, nhận thức có đúng mới tạo được động lực chohành động. Khi “Trên dưới đồng lòng dọc ngang thông suốt” thì khó khăn mấy cũng có thể vượt qua. Đó là thông điệp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến nhiều lần, nhất là khi tổ chức thực hiện những chủ tương lớn trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức như hiện nay.

Sau khi mỗi nghị quyết được ban hành, Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị toàn quốc (kể cả các địa phương không trong vùng cũng tham gia) để quán triệt, thống nhất tư tưởng và hành động, sớm biến nghị quyết thành hiện thực sinh động. Điều đó cho thấy quyết tâm cao của Đảng trong việc hiện thực hóa chủ trương này với tư tưởng chỉ đạo là phát triển vùng là nhiệm vụ chính trị chung của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trong cả nước chứ không riêng của vùng và các địa phương trong vùng. Sự phát triển của mỗi vùng liên quan mật thiết và tác động qua lại với các vùng khác.

Tại các hội nghị nêu trên, sáu bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là định hướng quan trọng cho quá trình quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện. Trong đó Tổng Bí thư đã phân tích và trả lời, làm rõ ba vấn đề có tính quyết định để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Một là, vì sao vào lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của từng vùng cụ thể? Hai là, những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của mỗi Nghị quyết lần này là gì? Ba là, chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để tổ chức thực hiện có kết quả những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị đã đề ra, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?

Việc triển khai các nghị quyết vùng phải gắn liền với chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn hệ thống chính trị. Một nghị quyết nhưng liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, khác với các nghị quyết chuyên đề về một lĩnh vực mà chủ thể có thể là một ngành, một địa phương. Nếu không tổ chức triển khai chỉ đạo quyết liệt, không phân công rõ ràng, không kiểm tra đôn đốc thường xuyên thì dễ có nguy cơ bị rơi vào quên lãng, hoặc làm qua loa, cầm chừng. Vì thế, nếu không “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” thì rất khó tạo được sức mạnh tổng hợp mà ngược lại dễ dẫn đến chống chéo, hoặc tạo ra những “vùng trống” hành động, hay “cua cậy càng cá cậy vây”, không ai chịu ai như Tổng Bí thư thường nói.

Các cấp các ngành, các địa phương và cơ quan Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ cần làm “đúng vai, thuộc bài” đồng thời phải có sự phối hợp nhịp nhàng trong xây dựng cơ chế, chính sách, nhất là giải quyết những vấn đề đặt ra hay có nhiều ý kiến khác nhau trong tổ chức thực hiện nghị quyết. Các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong vùng là chủ thể, lực lượng chính; các cơ quan, bộ ngành Trung ương là đầu mối kết nối và có thể là “trọng tài” trong quá trình vận hành cơ chế, chính sáchđể biến nghị quyết thành hiện thực.

Trong triển khai thực hiện nghị quyết, cần chú trọng hơn nữa việc gắn phát triển kinh tế- xã hội với đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ tâm, đủ tầm để “cầm lái” đưa nghị quyết đi đúng hướng và về đích đúng lộ trình, kế hoạch đã đặt ra.

Tại các hội nghị toàn quốc nghiên cứu quán triệt nghị quyết về phát triển vùng, điều được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tập trung phân tích, chỉ đạo làm gì, làm như thế nào để biến nghị quyết thành hiện thực sinh động. Từ kinh nghiệm và bài học thành công cũng như những hạn chế trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết nói chung, nghị quyết về vùng nói riêng, việc quan trọng đầu tiên là các cấp, các ngành cần quán triệt thật đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc ý nghĩa mục tiêu yêu cầu nội dung của từng nghị quyết, nhất là nghị quyết thuộc vùng địa phương mình. Đồng thời thống nhất nhận thức, liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển của toàn vùng và các địa phương trong vùng.

Nhưng mặt khác, từng vùng và các địa phương trong vùng cần chủ động khơi dậy tinh thần tự lực tự cường, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nghị quyết với ý chí, khát vọng vượt lên chính mình, làm giàu cho gia đình, cho địa phương, cho vùng và cho cả nước. Muốn làm được như vậy, các cơ quan chức năng, các địa phương phải tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển vùng và liên kết vùng về tổ chức, nguồn lực và cơ chế triển khai thực hiện.

Việc phát triển vùng phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; đồng thời hình thành hành lang kinh tế một số vùng động lực, các cực tăng trưởng, phát triển các chuỗi ngành kinh tế, vùng đô thị và công nghiệp để tạo sự bứt phá cho toàn vùng. Mặt khác, ưu tiên nguồn vốn của Nhà nước để đầu tư hạ tầng giao thông cho những địa bàn xa xôi, đặc biệt khó khăn; coi đây là vấn đề có ý nghĩ trọng yếu đối với công tác bảo đảm quốc phòng và an ninh cho cả nước.

Sáu Nghị quyết vùng cần thiết để phát triển đất nước

 “Việc Bộ Chính trị ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với sự phát triển của vùng và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với sự phát triển của đất nước”, đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, năm 2021-2022 là “thời điểm vàng”, có tính bước ngoặt để khẩn trương nghiên cứu xây dựng, ban hành các Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đề ra các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển phù hợp với bối cảnh, tình hình mới nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, góp phần tạo ra sự chuyển biến có tính đột phá trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở cả 6 vùng kinh tế - xã hội.

Năm 2021-2022 là “thời điểm vàng” để nghiên cứu xây dựng, ban hành các Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết còn là cơ sở chính trị quan trọng để xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm khai thác và phát huy cao nhất mọi tiềm năng, lợi thế để các địa phương trong các vùng phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Với từng vùng kinh tế-xã hội, Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng có những ý nghĩa riêng. Theo đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, vùng Đồng bằng sông Hồng mang vị trí động lực phát triển của cả nước, có nhiều địa phương lớn, bứt phá nhanh, có vị trí trong thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nói riêng, cả nước nói chung, như thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh... Cả vùng đạt được nhiều thành tựu lớn, toàn diện từ kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị. Vùng đồng bằng sông Hồng cần phải là vùng đi đầu trong quá trình hội nhập, tận dụng tiềm năng lợi thế, giữ vai trò dẫn dắt với 6 vùng trong cả nước.

Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng được Bộ Chính trị ban hành với nhiều quan điểm, chủ trương mới. Trong đó, cần phải nhận thức liên kết vùng giữ vai trò chủ đạo dẫn dắt toàn bộ quá trình phát triển, đặc biệt trong việc ban hành quy hoạch vùng, địa phương bảo đảm tính kết nối trong tổng thể vùng. Chúng ta phải chú trọng ban hành chính sách đặc thù từng vùng để tận dụng tiềm năng, lợi thế.

“Chúng tôi tin Nghị quyết 30 được hiện thực hóa, sẽ đóng góp rất quan trọng vào quá trình phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung và các các địa phương trong vùng nói riêng, đem lại đời sống tốt đẹp hơn cho người dân toàn vùng”, đồng chí Nguyễn Duy Hưng đánh giá.

Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Ban Cán sự đảng UBND Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị tiếp tục xác định Thủ đô Hà Nội là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Hồng, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Đặc biệt, theo đồng chí Trần Sỹ Thanh, Nghị quyết 30 được xây dựng trên cơ sở đánh giá tổng kết thực tiễn và lý luận rất khoa học, công phu do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì chuẩn bị. Nghị quyết đã dành sự quan tâm đặc biệt đến Thủ đô; xác định Hà Nội có vai trò đầu tàu, hạt nhân, dẫn dắt các địa phương trong Vùng. Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội là trung tâm, là động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; đến năm 2045, Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

“Như vậy, cùng với Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng sẽ là căn cứ, cơ sở chính trị quan trọng để xây dựng định hướng mang tính chiến lược, dài hạn nhưng rất cụ thể cho phát triển Thủ đô Hà Nội trong không gian chung của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định.

Đối với vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên đánh giá: “Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một nghị quyết là quan trọng và được ban hành rất là đúng thời điểm, đúng trọng tâm và đúng đối tượng”.

Từ khi có Nghị quyết, Thái Nguyên đã ban hành các chương trình, kế hoạch để thực hiện Nghị quyết. Đồng thời tỉnh cũng tiến hành tuyên truyền để người dân địa phương, cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, các cấp ủy nắm rõ nội dung và vị trí của Thái Nguyên trong Nghị quyết.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình cho rằng: “Nghị quyết số 11 có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Bắc Kạn, Nghị quyết đã đề ra các phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng, đẩy mạnh tính liên kết trong vùng, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng nói chung và từng tỉnh nói riêng. Qua đó, đây là cơ sở để tỉnh Bắc Kạn xác định được các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045”.

Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển

Phát biểu tại các Hội nghị triển khai nghị quyết phát triển Vùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển Vùng và phát triển chung của cả nước, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong Vùng. Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển Vùng và liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, nguồn lực và cơ chế triển khai.

Từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định: “Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là chủ trương lãnh đạo rất quan trọng, nhằm chỉ đạo quán triệt sâu sắc hơn và tổ chức triển khai thực hiện tốt hơn chủ trương, đường lối của Đảng, không chỉ thúc đẩy phát triển các tỉnh trong vùng, mà còn góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu liên kết vùng, thúc đẩy các vùng trong cả nước phát triển bền vững”.

Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết lần này sẽ giúp cho tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phát huy những kết quả thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt cản trở sự phát triển và tạo ra động lực lớn giúp các tỉnh vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra, tạo bước đột phá mới trong việc phát huy vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt của từng địa phương và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn trong giai đoạn mới.

Từ vùng Đông Nam Bộ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhấn mạnh: “Dưới dự quan tâm sâu sắc của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư, sự ra đời của Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã củng cố sự tin tưởng, tạo sự phấn khởi trong Đảng bộ và nhân dân trong vùng, mang lại nguồn cảm hứng và động lực mới cho quyết tâm thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới. Tỉnh Bình Dương bày tỏ sự thống nhất cao và sẽ phấn đấu thực hiện thật tốt những nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại nghị quyết”.

“Vùng Tây Nguyên hiện vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức lớn. Do đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên, ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết số 23-NQ/TW được ban hành có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Tây Nguyên hiện nay, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng Tây Nguyên, đáp ứng nguyện vọng của các Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên”, đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nói.

Các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 23-NQ/TW là định hướng để tỉnh Đắk Lắk tiếp tục công cuộc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong giai đoạn tiếp theo, phấn đấu để đưa Đắk Lắk thuộc nhóm phát triển khá của cả nước theo mục tiêu chung mà Nghị quyết đã đề ra.

Đồng thời, Nghị quyết số 23-NQ/TW cùng với Kết luận số 67-KL/TW, ngày  16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng là căn cứ quan trọng cho tỉnh Đắk Lắk trong việc triển khai, xây dựng Quy hoạch, định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong gian đoạn tới, kỳ vọng sẽ tạo được đột phá và có bước chuyển biến mới, bộ mặt mới với nhiều đóng góp mới cho toàn vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi nhận định: “Nghị quyết số 26-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi”.

Thứ nhất, Nghị quyết số 26 đã xác định rõ hơn vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.

Thứ hai, Nghị quyết số 26 là cơ sở chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới nhằm khai thác và phát huy mức cao nhất tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh, bền vững của toàn vùng cũng như các địa phương trong vùng trong thời gian tới.

Thứ ba, những nhiệm vụ, giải pháp được xác định đầy đủ trong Nghị quyết số 26 là cơ sở, định hướng quan trọng để các địa phương trong vùng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho sự phát triển cho từng địa phương, đồng thời thúc đẩy liên kết phát triển giữa các địa phương trong Vùng, phát huy sức mạnh tổng thể của Vùng.

Nhằm triển khai việc tuyên truyền hiệu quả và sớm đưa Nghị quyết của Bộ Chính trị vào cuộc sống, Báo Nhân Dân là cơ quan báo chí đầu tiên trên cả nước tiên phong xuất bản các phụ trương chuyên trang, chuyên đề riêng biệt về 6 vùng kinh tế-xã hội. Báo Nhân Dân xuất bản 6 chuyên trang tương ứng với 6 vùng, phát hành kèm theo Báo Nhân Dân hằng ngày vào các ngày thứ hai, thứ tư, thứ năm. Trên Báo Nhân Dân điện tử và Truyền hình Nhân Dân có các chuyên trang Trung du và miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và Đồng bằng sông Hồng.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Việc ra mắt các phụ trương chuyên trang, chuyên mục riêng biệt về sáu vùng kinh tế-xã hội là cột mốc lịch sử có ý nghĩa của Báo Nhân Dân theo đúng tinh thần của Nghị quyết Bộ Chính trị. Đây được xem là một bước đi mạnh dạn, thể hiện rõ tính định hướng dẫn đầu của cơ quan ngôn luận của Đảng”.

Việc xuất bản phụ trương trên Báo Nhân Dân hằng ngày và thực hiện mở chuyên trang, chuyên mục về sáu vùng trên các ấn phẩm Báo Nhân Dân điện tử và Truyền hình Nhân Dân sẽ đẩy mạnh tuyên truyền khai thác và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế-chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng; liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới...


Theo Báo Nhân dân

;
.