Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy

Chủ Nhật, 05/11/2023, 18:23 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới.

Hội nghị trực tuyến Toàn quốc Đánh giá Kết quả Công tác PCCC.
Hội nghị trực tuyến Toàn quốc Đánh giá Kết quả Công tác PCCC.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu Trụ sở Chính phủ với điểm cầu tại Trụ sở 63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hơn 700 điểm cầu tại UBND các quận, huyện trong cả nước.

Bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và DN

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tầm quan trọng của hội nghị, nhất là trong bối cảnh vừa qua đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả hết sức nghiêm trọng về người và tài sản; đặc biệt là vụ cháy nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội, làm 56 người tử vong.

Thủ tướng chỉ rõ đây là hồi chuông cảnh báo và cho thấy tình hình rất khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ phải có ngay những giải pháp cấp bách, khả thi để phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các vụ cháy; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân và DN.

Theo Thủ tướng, đất nước ta đang trong quá trình phát triển, CNH-HĐH, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ; nhà và công trình xây dựng phát triển nhanh, đa dạng về quy mô, phong phú về loại hình; nhu cầu sử dụng năng lượng như xăng dầu, khí đốt, điện, hóa chất cũng tăng mạnh.

Tại các thành phố lớn, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, mật độ dân cư cao, trong khi công tác quy hoạch, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn; tạo áp lực lớn cho quản lý Nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ban, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng, nòng cốt là lực lượng CAND, công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã đạt nhiều kết quả quan trọng; phong trào toàn dân PCCC và cứu nạn, cứu hộ gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân đối với nhiệm vụ bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu do một số quy định của pháp luật về PCCC chưa theo kịp sự phát triển của xã hội; cơ sở hạ tầng được xây dựng lâu năm, nhiều công trình cũ, xuống cấp không đáp ứng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC nhưng không thể khắc phục được ngay.

Nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu đối với công tác PCCC còn hạn chế, thậm chí buông lỏng quản lý. Ý thức, kiến thức, kỹ năng của một bộ phận quần chúng nhân dân về PCCC chưa cao; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, lực lượng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ,…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu với tinh thần, trách nhiệm nghiêm túc, thẳng thắn, các đại biểu tập trung đánh giá những kết quả đạt được, nhất là những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, làm rõ nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm để có những giải pháp căn cơ, quyết liệt và khả thi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân và DN; không để xảy ra các sự việc đáng tiếc…

Theo Bộ Công an, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn quốc xảy ra 2.927 vụ cháy và sự cố cháy (giảm 31,8% so với cùng kỳ năm ngoái), làm chết 134 người (tăng 26,8%), làm bị thương 101 người (tăng 21,8%), về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền gần 230 tỷ đồng và 207ha rừng.
Trong đó, xảy ra 50 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, đặc biệt nghiêm trọng là vụ cháy chung cư mini ngày 12/9 vừa qua tại Thanh Xuân, Hà Nội, làm chết 56 người, 37 người bị thương.

 

Công tác PCCC đã được nâng cao

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 01/CT-TTg, các bộ, ngành, UBND địa phương đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị, cũng như các Công điện số 220, Công điện số 825 và đã đạt được một số kết quả nhất định, qua đó đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý, tổ chức và người dân đối với công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn...

Đặc biệt sau khi Công điện số 825/CĐ-TTg ban hành, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tổng rà soát, kiểm tra đối với 100% các cơ sở nhà chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao, đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện tại công an 8 địa phương, kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh, hướng dẫn, chỉ đạo công an các địa phương khắc phục tồn tại, hạn chế và tiếp tục triển khai hiệu quả.

Theo đó, qua công tác thống kê và điều tra cơ bản trên toàn quốc có 3.732 nhà chung cư; 192.860 nhà trọ; 1.585 nhà ở nhiều căn hộ và 99.707 nhà ở kết hợp kinh doanh chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ.

Trong quá trình triển khai Công điện, đã tổ chức tuyên truyền hơn 48.000 lượt cho khoảng 3.900.000 người tham gia tập huấn; tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn tại 1.379 nhà chung cư; 18.470 nhà trọ; 593 nhà ở nhiều căn hộ; 9.230 nhà ở kết hợp kinh doanh chất hàng nguy hiểm cháy nổ.

Đã tổ chức rà soát, kiểm tra 100% các cơ sở theo chỉ đạo tại Công điện, qua đó xử lý vi phạm tại 228 nhà chung cư; 8.799 nhà trọ, nhà ở nhiều căn hộ; 1.067 nhà ở kết hợp kinh doanh chất hàng nguy hiểm cháy nổ; đồng thời, đã hướng dẫn chủ đầu tư, chủ cơ sở khắc phục các nội dung tồn tại về PCCC.

PHẠM TIẾP

 
;
.