Hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn

Thứ Tư, 01/11/2023, 19:17 [GMT+7]
In bài này
.

Đây là đề nghị của đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và các đại biểu Quốc hội trong thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và một số nội dung quan trọng khác vào ngày 1/111.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu thảo luận tại nghị trường. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu thảo luận tại nghị trường. Ảnh: CHÂU VŨ

Hỗ trợ lãi suất chưa đạt mục tiêu

Đề cập về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/NQ15, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng thống nhất việc đề nghị Quốc hội kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển bố trí cho các dự án đầu tư đến hết năm 2024.

Đại biểu cho rằng, nếu giải ngân tốt các nội dung của chương trình sẽ có tác động rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song theo báo cáo của Chính phủ, việc giải ngân vốn của chương trình khá chậm. Đến ngày 30/9 mới giải ngân 50.739 tỷ đồng, đạt 28,9% kế hoạch vốn được giao.

Về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đánh giá không đạt mục tiêu. Đến 31/12/2022, kết quả thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31 của Chính phủ còn rất thấp so với kế hoạch đề ra (134 tỷ đồng, đạt 0,8%); có 15/44 ngân hàng thương mại không hỗ trợ lãi suất; 14/44 ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất dưới 1 tỷ đồng.

Từ thực tiễn đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất này, đồng thời cần làm rõ trách nhiệm trong việc triển khai kết quả còn hạn chế.

Về tình hình hoạt động của DN và việc làm của người lao động, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phân tích, trong 9 tháng năm 2023, số DN rút lui khỏi thị trường hơn 135 ngàn DN, bình quân 1 tháng có 15 ngàn DN rút lui khỏi thị trường, trong khi số DN mới thành lập có xu hướng giảm về số vốn đăng ký và lao động. Số lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp tại thời điểm 1/9/2023 giảm 1,9% so với cùng kỳ. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên từ 15-24 tuổi quý III/2023 là 7,86%... Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá sát tình hình này, kịp thời quan tâm và có chính sách hỗ trợ DN và giải quyết việc làm cho người lao động hiệu quả hơn nữa.

Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) các DN hiện vẫn còn phải đương đầu với những khó khăn trước mắt và cần phải có các biện pháp tháo gỡ. Nợ đọng vốn xây dựng cơ bản đối với DN xây dựng vẫn là vấn đề nổi cộm trong quản lý đầu tư công, chủ yếu nợ đọng từ ngân sách địa phương; bên cạnh đó là chậm hoàn thuế giá trị gia tăng. DN còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính xuất phát từ các văn bản hướng dẫn; tín dụng DN gặp khó khăn, nhiều DN nhỏ và vừa khó đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn của các tổ chức tín dụng…

Do đó, đại biểu đề nghị cần quan tâm về chính sách hỗ trợ DN, doanh nhân trong thời gian tới, góp phần phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới.

Đầu tư hiệu quả vào yếu tố con người

Đóng góp ý kiến, đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận) cho rằng, con người là yếu tố rất quan trọng, vì yếu tố con người quyết định thành bại của mọi chính sách. Các chính sách lớn chậm được triển khai, lúng túng trong thực hiện, thì nguyên nhân chính là do nguồn lực thực hiện còn hạn chế, năng suất lao động thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, nguồn nhân lực thiếu và yếu trong một số ngành mũi nhọn.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, sau 1,5 ngày thảo luận tại hội trường, đã có 69 đại biểu phát biểu, 24 đại biểu tham gia tranh luận, còn 92 đại biểu Quốc hội đã đăng ký nhưng chưa phát biểu, đề nghị các đại biểu gửi ý kiến về Ban Thư ký để kịp thời tổng hợp. Có 5 Bộ trưởng đã tham gia phát biểu, giải trình nhiều vấn đề được cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đại biểu đề nghị cần đầu tư nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa vào yếu tố con người, thực hiện hiệu quả các chính sách về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục và đào tạo, xây dựng chính sách phát huy hiệu quả giá trị văn hóa. Khơi dậy sức mạnh dân tộc, tinh thần yêu nước và khát vọng vươn lên của người Việt, tạo nền tảng bền vững và lâu dài cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, vấn đề then chốt quyết định chất lượng GD-ĐT chính là đội ngũ GV và cán bộ quản lý giáo dục. Thế nhưng, đến đầu năm học 2023-2024, cả nước vẫn còn thiếu 118.253 GV. Trước thực trạng này, nhiều địa phương phải dồn lớp; bố trí GV dạy liên môn, liên cấp, liên trường, liên huyện; dạy tăng tiết, tăng buổi; hợp đồng giáo viên… Tình trạng này làm ảnh hưởng đến sức khỏe của GV và chất lượng giảng dạy cho học sinh. Từ đó, đại biểu Hùng đề nghị Chính phủ và Bộ GD-ĐT sớm có giải pháp căn cơ, lâu đài để giải quyết tồn tại này, ưu tiêu tháo gỡ vướng mắc trong công tác tuyển dụng GV…

NGỌC NGUYỄN

;
.