Giám sát là khâu then chốt nâng cao hiệu lực của Quốc hội
Sáng 17/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình giám sát năm 2024. Hội nghị tập trung thảo luận về khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 và giải pháp triển khai có hiệu quả chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại hội nghị. |
Đưa chính sách, pháp luật thực sự đi vào cuộc sống
Báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023 và triển khai chương trình giám sát năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đã đạt hiệu quả, kết quả tích cực. Việc triển khai hoạt động của các Đoàn giám sát được UBTVQH chỉ đạo sát sao, định hướng trong quá trình triển khai giám sát.
Các đoàn công tác với sự tham gia của các Phó Chủ tịch Quốc hội - Trưởng Đoàn giám sát đã khảo sát, làm việc trực tiếp với 33 địa phương, Chính phủ, các bộ, ngành; tổ chức nhiều tọa đàm, hội nghị tham vấn chuyên gia…
Các Đoàn ĐBQH đã tích cực triển khai hoạt động giám sát theo quy định. Các ĐBQH tích cực tham gia hoạt động giám sát của các Đoàn giám sát Quốc hội, UBTVQH, cơ quan của Quốc hội và Đoàn ĐBQH; chủ động chất vấn tại các phiên họp thể hiện tinh thần trách nhiệm, phản ánh được tình hình thực tiễn, tâm tư nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Tham gia thảo luận tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, trong việc đổi mới phương thức triển khai giám sát, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, việc thành lập các tổ công tác của Đoàn giám sát về địa phương khảo sát, làm việc, góp ý kiến báo cáo nội dung giám sát trước khi đoàn giám sát tổ chức giám sát trực tiếp tại địa phương, đơn vị là hiệu quả, bởi có sự phối hợp chặt chẽ từ giai đoạn đầu, ở các khâu chuẩn bị, nắm tình hình, tổ chức thực hiện giám sát, bảo đảm tính sâu rộng, toàn diện. Qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, triển khai các chính sách, pháp luật có liên quan.
Quan tâm hơn nữa công tác “hậu giám sát”
Năm 2024, Quốc hội đã chọn giám sát tối cao 2 chuyên đề gồm: “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” (sẽ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7) và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” (sẽ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8).
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị Quốc hội, UBTVQH cân nhắc, xem xét điều chỉnh thời gian các đoàn giám sát của Quốc hội và Đoàn giám sát của UBTVQH. Vì thời gian giám sát là trong khoảng thời gian cuối năm cũ, đầu năm mới, các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát phải tập trung hoàn thành kế hoạch công tác năm 2023 và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo Tết cổ truyền cho nhân dân tại địa phương.
(Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)
|
UBTVQH đã chọn 2 chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023” và chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Tập trung đổi mới, tiếp tục tạo chuyển biến về chất trong hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội. Chú trọng tăng cường giám sát của Đoàn ĐBQH gắn với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giám sát của đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát và thực thi các kiến nghị đó một cách nghiêm túc. Những sai phạm phải được xử lý; những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.
“Do đó, hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung được xác định là một trong các khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực hoạt động của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Bài, ảnh: PHÚC LƯU