Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu: Đóng góp nhiều ý kiến về thẩm định giá đất

Thứ Sáu, 03/11/2023, 12:02 [GMT+7]
In bài này
.

Tham gia Chương trình thảo luận của Quốc hội tại hội trường vào sáng ngày 3/11 đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết cơ bản thống nhất với bố cục dự thảo Luật và báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Song để dự thảo Luật được hoàn thiện hơn, đại biểu Yến góp ý một số nội dung sau:

Về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập (Điều 93), qua nghiên cứu Điều 93 và so sánh với các quy định tại khoản 3 Điều 113; điểm a khoản 2 Điều 126 của dự thảo Luật, đại biểu nhận thấy chưa thống nhất với nhau; vì theo khoản 3 Điều 113 và điểm a khoản 2 Điều 126, được hiểu là địa phương thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất sạch căn cứ khả năng nguồn vốn của địa phương (tách việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập), là chưa thống nhất với quy định tại Điều 93 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); cho nên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát chỉnh sửa cho thống nhất.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bổ sung vào Điều 93 dự thảo Luật các trường hợp cụ thể được tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập để thực hiện thống nhất trong thực tiễn - trong đó cần quy định trường hợp bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tạo đất sạch để tổ chức đấu giá đang tồn tại trong đời sống pháp lý.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại hội trường
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại hội trường

Về phương pháp định giá đất (Điều 159),  đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc không sử dụng phương pháp thặng dư trong xác định giá đất cụ thể và bỏ điểm b khoản 5 Điều 159 và điểm c khoản 6 Điều 159, vì phương pháp thặng dư trên thực tế áp dụng ước tính doanh thu, chi phí, việc tính toán các yếu tố giả định trên rất phức tạp, kết quả định giá không chắc chắc, thiếu chính xác, có sai số lớn, cùng một thửa đất chỉ cần thay đổi một chỉ tiêu trong các yếu tố giả định thì thay đổi kết quả định giá. Đây là nguyên nhân chính gây vướng mắc, chậm trễ trong việc xác định, thẩm định, quyết định giá đất cụ thể trong thời gian vừa qua và cách hiểu của mỗi người khác nhau trong các hoàn cảnh, thời điểm khác nhau.

Về giá đất cụ thể (Điều 161), qua nghiên cứu thực tiễn và đối chiếu quy định trên, đại biểu Yến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, làm rõ: Khi tham gia làm thành viên Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể thì các tổ chức tư vấn xác định giá đất trong trường hợp đồng thời do Cơ quan tài nguyên thuê tổ chức tư vấn định giá đất để xác định giá đất cụ thể; Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể cấp tỉnh và cấp huyện thuê tổ chức tư vấn định giá đất để thẩm định giá đất cụ thể; Hội đồng mời tổ chức tư vấn xác định giá đất cụ thể, thì trong 3 vai trò này có cần phải khác nhau hay không. Thực tiễn thời gian vừa qua, thực hiện phương pháp xác định giá đất theo quy định tại Thông tư số 36 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xảy ra tình trạng cùng một khu đất, với mỗi phương pháp xác định giá đất và với mỗi đơn vị tư vấn khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau. Để tránh rủi ro về mặt pháp lý cho các cơ quan định giá, thẩm định giá và phê duyệt giá đất, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nội dung tại khoản 5 Điều 162 của Dự Luật cần giao cho Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết vấn đề này.

Về lựa chọn các Phương án, đại biểu Yến cho biết dự thảo Luật còn các điều khoản còn thiết kế nhiều phương án lựa chọn (trên 32 Điều, khoản). Để đảm bảo tính thận trọng, chặt chẽ và toàn diện, thể chế hóa đầy đủ các nội dung cần điều chỉnh vào dự Luật và lựa chọn các Phương án, đại biểu Yến đề nghị Quốc hội cần tiếp tục giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố tiếp tục lựa chọn các phương án và góp ý sâu hơn nữa.

Bên cạnh đó, Về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Khoản 10 Điều 76), đại biểu đề xuất cân nhắc lựa chọn Phương án 2; vì lý do cần quy định cụ thể, để việc thực hiện pháp luật được chặt chẽ, đúng quy định, do đó nên giao nội dung này cho Chính phủ quy định chi tiết.

Về sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (Khoản 6, Điều 128), đại biểu đề xuất cân nhắc lựa chọn Phương án 2 vì phương án này dành ưu tiên cho người đang có quyền sử dụng đất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sử dụng đất hợp pháp.

Đánh giá tính toàn diện dự thảo Luật trình Kỳ họp thứ Sáu xem xét thông qua, Đại biểu Yến đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét, đánh giá thận trọng đối với các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

CHÂU VŨ - MINH THIÊN

 

 

;
.