ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu: Tham gia thảo luận tại hội trường về Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Thứ Hai, 27/11/2023, 17:07 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 27/11, trong chương trình Kỳ họp thứ 6, Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tham gia thảo luận tại hội trường về Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Đại biểu Đỗ Văn Yên phát biểu thảo luận tại hội trường
Đại biểu Đỗ Văn Yên phát biểu thảo luận tại hội trường

Đại biểu Đỗ Văn Yên cơ bản thống nhất với dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), gồm 9 chương, 68 Điều. Đối với một số nội dung cụ thể đại biểu Yên cho biết: Tại khoản 12 Điều 2 Dự thảo Luật quy định: Lưu trữ lịch sử là cơ quan thực hiện hoạt động nghiệp vụ lưu trữ đối với tài liệu lưu trữ có giá trị bảo quản vĩnh viễn được tiếp nhận từ cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu và đối với các tài liệu lưu trữ khác theo quy định của pháp luật. Đối chiếu với khoản 1 Điều 19 Luật Lưu trữ năm 2021 hiện hành quy định: Lưu trữ lịch sử được tổ chức ở Trung ương và cấp tỉnh để lưu trữ tài liệu có giá trị bảo quản vĩnh viễn thuộc Danh mục tài liệu nộp lưu vào lưu trữ lịch sử tỉnh. Đại biểu nhận định trong dự thảo sửa đổi Luật chưa có quy định trên nên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung làm rõ Lưu trữ lịch sử gồm những cấp nào và cơ quan có thẩm quyền thành lập lưu trữ lịch sử của từng cấp.

Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, đại biểu Yên cho rằng qua nghiên cứu quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 9 Dự thảo Luật có viện dẫn đến điểm c khoản 3, Điều 7, song đại biểu nhận thấy điểm c khoản 3, Điều 7 chưa nêu rõ đây là các loại tài liệu gì. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung rõ các loại tài liệu quy định tại điểm c khoản 3 Điều 7 thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, lưu trữ và UBND xã quản lý, lưu trữ để thống nhất thực hiện trong thực tiễn.

Mặt khác, đại biểu nhận xét trong thực tiễn hiện nay, UBND cấp huyện vẫn có kho lưu trữ, giao cho phòng Nội vụ cấp huyện quản lý, chỉ đạo hoạt động lưu trữ tại cấp huyện. Tuy nhiên, điều luật chỉ quy định trách nhiệm quản lý tài liệu lưu trữ đối với UBND cấp tỉnh và cấp xã, không đề cập đến cấp huyện. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ đối với UBND cấp huyện theo quy định.

Bên cạnh đó, tại Điều 25 dự án Luật mới quy định tài liệu lưu trữ tiếp cận có điều kiện gồm các loại tài liệu nào và thẩm quyền cho phép tiếp cận. Việc quy định như vậy theo đại biểu là chưa đầy đủ, Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm 2 nội dung vào điều luật gồm: Quy định cụ thể tiêu chí xác định tài liệu lưu trữ tiếp cận có điều kiện; Điều kiện để được khai thác tài liệu lưu trữ tiếp cận có điều kiện. Vì tài liệu lưu trữ có điều kiện phải có tiêu chí xác định cụ thể rõ ràng và không phải ai cũng có quyền khai thác, sử dụng; cho nên vấn đề này phải được quy định cụ thể vào nội dung của Luật.

Về giải mật tài liệu lưu trữ, Điều 27 Dự án Luật mới quy định việc giải mật và trách nhiệm của người đứng đầu giải mật tài liệu lưu trữ đối cơ quan của Đảng, Bộ Quốc phòng, Công an, ngoại giao, của cơ quan, tổ chức không còn hoạt động tại thời điểm giải mật và giải mật lưu trữ lịch sử của Nhà nước. Đối với giải mật lưu trữ tại cơ quan đang hoạt động điều luật chưa quy định rõ. Từ đó, Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung rõ về quy định giải mật tài liệu đối với lưu trữ cơ quan.

Về bản số hoá tài liệu lưu trữ, đại biểu viện dẫn Điểm a Khoản 3 Điều 29 quy định: “Tài liệu lưu trữ được số hóa là tài liệu lưu trữ bảo quản có thời hạn”. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung vào khoản 5 Điều 29 dự thảo Luật nội dung: “Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết về thể thức, kỹ thuật trình bày và quy trình số hóa tài liệu lưu trữ; hướng dẫn những loại tài liệu lưu trữ bảo quản có thời hạn được số hóa để triển khai thực hiện” nhằm tránh lãng phí trong công tác số hóa tại cơ quan, tổ chức.

Về các hoạt động dịch vụ lưu trữ, tại Điều 53 Dự thảo Luật, đại biểu nhận xét mới quy định 3 loại dịch vụ lưu trữ là chưa đầy đủ. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm dịch vụ về “các hoạt động tu bổ, phục chế tài liệu vào nội dung điều luật này, vì đây là dịch vụ rất cần thiết để có thể bảo quản tốt các tài liệu quý hiếm, có giá trị nhưng đã bị hư hỏng.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN

 

 

;
.