Trong chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 28/11, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu) thảo luận tại hội trường đối với Dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng, An ninh và Động viên công nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng tham gia thảo luận tại hội trường |
Phát biểu thảo đối với Dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng, An ninh và Động viên công nghiệp, ông Nguyễn Tâm Hùng cơ bản thống nhất với nội dung dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng, An ninh và Động viên công nghiệp gồm 7 chương, 73 Điều.
Về giải thích từ ngữ, tại khoản 6, Điều 2 về khái niệm “Vũ khí trang bị kỹ thuật”, Đại biểu Hùng cho rằng khái niệm này gần giống, nhưng không đầy đủ so với khái niệm “Trang bị kỹ thuật” tại Điều lệ Công tác Kỹ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2023. Vì vậy Đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cần thống nhất 2 khái niệm này cho đồng nhất và nên thay thế cụm từ “Vũ khí trang bị kỹ thuật” bằng “Trang bị kỹ thuật”, và bỏ cụm từ “trang bị kỹ thuật hỗ trợ” trong khái niệm tại khoản 6, Điều 2 của dự luật.
Về các hành vi bi nghiêm cấm trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Đại biểu Hùng cho biết qua thực tiễn quản lý công tác quân sự, quốc phòng cho thấy, do ý thức chủ quan, sơ hở, đơn giản, quản lý không chặt chẽ của người có trách nhiệm quản lý thông tin tài liệu, nên đối tượng xấu đã lấy cắp thông tin. Bên cạnh đó, mặc dù pháp luật có quy định nhưng việc chấp hành của tổ chức, cá nhân không nghiêm, thậm chí không chấp hành, do đó đã xảy ra vi phạm.
Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung vào Khoản 4 và 5, Điều 5 của dự luật để quy định rõ và chặt chẽ hơn, cụ thể: Đối với Khoản 4: Đề nghị bổ sung thêm nội dung: “Thiếu trách nhiệm trong quản lý” sau cụm từ “chuyển giao trái phép” và Khoản 5: Đề nghị bổ sung nội dung “không chấp hành, chấp hành không nghiêm” sau cụm từ “trốn tránh trách nhiệm”.
Về quản lý, duy trì dây chuyền động viên công nghiệp tại điểm b, Khoản 2, Điều 37, đại biểu Hùng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung nội dung “trong thời gian 15 ngày” sau cụm từ “Khi có nhu cầu sử dụng thiết bị do Nhà nước giao ngoài kế hoạch động viên công nghiệp” và đề nghị điều chỉnh thời gian “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của doanh nghiệp, Bộ Quốc phòng phải có văn bản trả lời” xuống “20 ngày”. Vì theo đại biểu Hùng, động viên công nghiệp được thực hiện khi có lệnh tổng động viên, động viên cục bộ và trong tình trạng chiến tranh theo Luật Quốc phòng năm 2018. Khi được Nhà nước giao ngoài kế hoạch động viên công nghiệp, phải quy định thời gian cụ thể để doanh nghiệp biết, chủ động thực hiện tránh doanh nghiệp lợi dụng để né tránh, kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, thực hiện rút gọn thủ tục, thời gian để khuyến khích doanh nghiệp tham gia động viên công nghiệp vì doanh nghiệp động viên công nghiệp đã được lựa chọn trong thời bình, Chính phủ ra Quyết định công nhận. Bộ Quốc phòng, UBND các tỉnh theo dõi, quản lý chặt chẽ và được phúc tra, khảo sát hàng năm.
Về chế độ, chính sách đối với doanh nghiệp trong chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp, đại biểu Hùng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh cụm từ “được ưu đãi tiền thuế đất, tiền sử dụng đất đối với diện tích đất…” thành “được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng dất và thuê sử dụng đất đối với diện tích đất phục vụ cho nhiệm vụ động viên công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai, pháp luật về thuế” tại điểm c, Khoản 2, Điều 49. Bởi đại biểu cho rằng, khi thực hiện động viên công nghiệp thì toàn bộ dây chuyền, nhà máy của doanh nghiệp thực hiện theo đơn đặt hàng và sản xuất các sản phẩm theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng. Phần lớn các doanh nghiệp đều thuê đất của Nhà nước.
Do vậy, để có chính sách tốt cho các doanh nghiệp công nghiệp an tâm, phát huy hết trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ động viên công nghiệp, nên cần miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đối với diện tích đất phục vụ cho nhiệm vụ động viên công nghiệp trong thời gian huy động, để các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.
CHÂU VŨ - MINH THIÊN