Chính sách hỗ trợ đầu tư cần bảo đảm nguyên tắc công bằng

Thứ Hai, 20/11/2023, 16:57 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 20/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận tại hội trường về nội dung dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại phiên họp
Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu tại phiên họp

Đa số các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Bên cạnh đó cũng có ý kiến băn khoăn về tác động của việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) đối với mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá tác động trong trường hợp Nghị quyết ban hành trước mà chưa có chính sách ưu đãi đầu tư song hành…

Đa số ý kiến các vị đại biểu cho rằng, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết là đúng thẩm quyền. Tên gọi của Nghị quyết không có chữ “thí điểm” để bảo đảm sự chắc chắn cho văn bản đạt chuẩn khi OECD hoặc các nước có quyền lợi liên quan thực hiện rà soát đồng cấp song về bản chất, Nghị quyết này vẫn là một Nghị quyết thí điểm

Cần ban hành chính sách để khuyến khích hỗ trợ đầu tư mới

Các vị đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ tác động đến môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam, đồng thời cần nghiên cứu, cải cách hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế một cách tổng thể và phù hợp để có hướng xử lý về chính sách đối với các nhà đầu tư mới, bảo đảm hiệu quả thực tế của các ưu đãi thuế.

Theo đó, cần nghiên cứu thay thế chính sách ưu đãi hiện hành dựa trên lợi nhuận (thông qua việc miễn, giảm thuế) bằng các biện pháp ưu đãi dựa trên chi phí một cách phù hợp, cắt giảm chi phí tuân thủ, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Ngoài yếu tố ổn định chính trị, nguồn lao động dồi dào, thì ưu đãi về thuế, tiền thuê đất cũng là những yếu tố rất quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Chính phủ cần trình Quốc hội điều chỉnh chính sách một cách phù hợp, khẩn trương để giành được quyền đánh thuế của Việt Nam và đảm bảo thu hút đầu tư nước ngoài; Có ý kiến đề nghị, Chính phủ cần khẩn trương rà soát, ban hành các chính sách ưu đãi thuộc thẩm quyền của Chính phủ…

Về vấn đề bảo đảm đầu tư và khả năng khiếu kiện, về điều kiện đảm bảo cho việc thi hành Nghị quyết: Một số vị đại biểu cho rằng, vấn đề bảo đảm đầu tư và khả năng khiếu kiện khi lợi ích của nhà đầu tư bị ảnh hưởng là rất rõ; lợi ích của nhà đầu tư được bảo vệ bởi điều khoản bất hồi tố đối với ưu đãi theo quy định pháp luật về đầu tư cũng như theo các Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký.

Theo đó, khi lợi ích của nhà đầu tư bị ảnh hưởng thì họ có thể kiện Việt Nam ra cơ quan tài phán quốc tế, đặc biệt trong trường hợp các ưu đãi đầu tư được ghi trực tiếp trên giấy chứng nhận đầu tư (ví dụ như các ưu đãi quy định tại Quyết định 29/2021/QĐ-TTg ưu đãi đầu tư đặc biệt); nhiều nhà đầu tư có thể sẽ không kiện do họ phải nộp ở nước mẹ hoặc nước thứ 3 nhưng có nhà ĐTNN vẫn có thể khiếu kiện để lựa chọn phương án tiếp tục hưởng ưu đãi đầu tư cho thời gian còn lại và sẽ nộp thuế TTTC tại nước mẹ. Hơn nữa, quy định tại khoản 2 Điều 7 còn có thể làm cho dự thảo Nghị quyết không “đạt chuẩn” của OECD. Vì vậy, đây là những vấn đề cần phải được Chính phủ tính đến khi tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, Tờ trình của Chính phủ đánh giá khả năng khiếu kiện không cao, tuy nhiên nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn có thể khiếu kiện và khả năng Việt Nam thua là lớn. Theo quy định thì bên thua phải nộp chi phí tố tụng rất lớn (tại tổ chức tài phán quốc tế). Như vậy, Việt Nam vừa không thu được khoản thuế TNDN bổ sung lại tốn chi phí tố tụng, về nhân lực. Đề nghị Chính phủ có hướng để giải quyết khi tổ chức thực hiện.

Về phạm vi thu thuế, việc quy định chi tiết về kê khai và nộp thuế: Một số ý kiến cho rằng, theo quy định của OECD, quy định về thu thuế UTPR bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2025. Vì vậy, đề nghị bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị quyết để có cơ sở áp dụng. Trong trường hợp dự thảo Nghị quyết không bổ sung nội dung này thì đề nghị đưa các quy định này vào Luật Thuế TNDN sửa đổi, bảo đảm kịp thời hiệu lực áp dụng từ năm tài chính 2025. Nhiều vị đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ về tính tương thích cũng như sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán của Việt Nam (chuẩn mực kế toán sẽ được áp dụng theo quy định của OECD) với chuẩn mực kế toán được chấp nhận liên quan tới thủ tục hành chính; đánh giá, báo cáo rõ các tác động về việc phát sinh thủ tục hành chính, chi phí, thời gian đối với doanh nghiệp FDI trong trường hợp chuẩn mực kế toán của chúng ta khác biệt với chuẩn mực kế toán được chấp nhận.

Hiện nay có một số chuẩn mực kế toán đang được chứng nhận của EU, của Trung Quốc, của Hoa Kỳ và một số nước thì đã chấp nhận nhưng Chính phủ cần làm rõ sự tương thích và sự khác biệt để xử lý đồng thời, bổ sung dự báo và giải pháp để xử lý các nội dung phát sinh mà doanh nghiệp phải giải trình về sự khác biệt này (theo quy định là phải giải trình). Cùng với đó là các chi phí liên quan đến kiểm toán độc lập đối với sự khác biệt về chuẩn mực kế toán.

 Ý kiến khác đề nghị nghiên cứu kỹ hệ thống kế toán quốc tế để quy định rõ tại dự thảo Nghị quyết những quy định về tờ khai thuế hay thời hạn kê khai để áp dụng được thuế bổ sung QDMTT hoặc IIR cho phù hợp; cần nghiên cứu, rà soát để quy định cụ thể, rõ ràng, thống nhất với hệ thống pháp luật trong nước nhưng cũng phải phù hợp với pháp luật quốc tế, các cam kết, hiệp định đã ký kết với nước ngoài cũng như cam kết với OECD để đảm bảo tổ chức thực hiện.

Đánh giá tổng thể môi trường đầu tư

Một số vị đại biểu đề nghị Chính phủ thể hiện rõ quan điểm về thứ tự ưu tiên giữa việc thực hiện thuế TTTC và nguyên tắc bất hồi tố đối với ưu đãi đầu tư trong quy định pháp luật về đầu tư. Có ý kiến đề nghị bỏ khoản 2 Điều 7, nên quy định tất cả người nộp thuế đều phải áp dụng theo mức nộp bổ sung, không nên để lựa chọn để đảm bảo tính chắc chắn của pháp luật; đề nghị cần làm rõ chế tài trong trường hợp không nộp thuế.

Một vị đại biểu đề nghị Chính phủ có đánh giá tổng thể môi trường đầu tư khi thực hiện thuế TTTC để có các giải pháp tổng thể về hệ thống ưu đãi đầu tư,  giải quyết yêu cầu đặt ra khi thực hiện thuế TTTC đối với các nhà đầu tư hiện hành đang được hưởng ưu đãi thuế, đồng thời cũng cần phải làm rõ về chế độ thuế đối với các nhà đầu tư mới sẽ vào Việt Nam cùng các biện pháp ưu đãi thay thế. Nội dung này hiện chưa được đặt ra và quy định trong dự thảo Nghị quyết. Một số ý kiến đề nghị, cần quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư từ góc độ cải cách thể chế, đơn giản hoá thủ tục hành chính… nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư vì đây là các nội dung quan trọng để duy trì môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam trong nhiều trường hợp còn quan trọng hơn các ưu đãi đầu tư.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN

 

 

;
.