Chỉ tiêu kinh tế, tài chính đạt mức tăng trưởng cao

Thứ Ba, 07/11/2023, 08:35 [GMT+7]
In bài này
.

“10 tháng năm 2023, tình hình kinh tế có dấu hiệu chuyển biến tích cực. 9/13 chỉ tiêu kinh tế, tài chính có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu giảm sâu hoặc chưa đạt như kỳ vọng. Trước thực tế này, các ngành, địa phương cần có giải pháp khắc phục kịp thời”,  thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 10, diễn ra vào sáng 6/11. Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Thu ngân sách giảm 16,82%

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, 10 tháng qua, các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội được triển khai tích cực, đồng bộ. Có 9/13 chỉ tiêu kinh tế, tài chính đạt mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ và của cả năm 2023 theo Nghị quyết HĐND tỉnh. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí) tăng 11,24%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12,85%; doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 17,87%; doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 106,3%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,21%. Thu hút đầu tư mới trong và ngoài nước tăng số lượng dự án và cả số vốn đăng ký...

Các lĩnh vực văn hóa thể thao, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông... đều triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình, kế hoạch theo lộ trình. Bảo đảm ổn định đời sống nhân dân và duy trì trật tự an toàn xã hội; công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo… có nhiều cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số chỉ tiêu giảm sâu hoặc chưa đạt như kỳ vọng. Trong đó, đáng chú ý về số thu ngân sách. 10 tháng năm 2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh thực hiện 77.856 tỷ đồng, đạt khoảng 87,88% dự toán, giảm 16,82% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ dầu khí 27.413 tỷ đồng, đạt 114,70% dự toán, giảm 27,21%; thu thuế xuất, nhập khẩu 18.614 tỷ đồng, đạt 85,78% dự toán, tăng 5,91%; thu ngân sách nội địa 31.830 tỷ đồng, đạt 74,04% dự toán, giảm 17,04%.

Trong các khoản thu ngân sách, lớn nhất vẫn là thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài 12.943 tỷ đồng; tiếp theo là thu từ khu vực DN nhà nước, trung ương 4.178 tỷ đồng; thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh 3.572 tỷ đồng; thu thuế thu nhập cá nhân 3.257 tỷ đồng; thu xổ số 1.644 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất 1.385 tỷ đồng.

Người lao động BIENDONG POC tiến hành bảo dưỡng thiết bị trên giàn Hải Thạch.
Người lao động BIENDONG POC tiến hành bảo dưỡng thiết bị trên giàn Hải Thạch.

Tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng còn chậm

Báo cáo của Sở KH&ĐT cũng cho biết, tính đến hết tháng 10/2023, giá trị giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh hơn 10.485 tỷ đồng, đạt 62,61% tổng kế hoạch vốn 2023, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (giải ngân 10 tháng đầu năm 2022 đạt 43,71%). Trong đó, vốn ngân sách tỉnh là hơn 5.770 tỷ đồng, đạt 58,91% so với kế hoạch giao; vốn ngân sách Trung ương hơn 1.539 tỷ đồng, đạt 80,95% so với kế hoạch giao, vốn ngân sách cấp huyện là hơn 3.148 tỷ đồng, đạt 62,88% kế hoạch vốn.  

Năm 2023, kế hoạch tỉnh bố trí khởi công xây dựng mới 18 dự án. Đến hết tháng 10 có 16 dự án đã khởi công xây dựng; 2 dự án đang tổ chức đấu thầu. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ chung của tỉnh là: huyện Đất Đỏ 47,93%, TP.Vũng Tàu 52,41%, TX.Phú Mỹ 52,91%, huyện Côn Đảo 55,58%, huyện Xuyên Mộc 60,34%.

Theo ông Lê Ngọc Linh, mặc dù giá trị giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 10 đạt 62,61% nhưng tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công còn thấp, mới đạt 37,5%.

Để giải ngân vốn đầu tư công sớm về đích, tỉnh giao Sở KH&ĐT chủ động phối hợp với chủ đầu tư tham mưu UBND điều chỉnh vốn nội bộ lần cuối trước ngày 15/11 từ các dự án giải ngân thấp sang các dự án giải ngân cao có nhu cầu tăng vốn theo đúng chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đối với các dự án trong 74 dự án đã được HĐND tỉnh gia hạn thời gian bố trí vốn, các chủ đầu tư phối hợp với địa phương tập trung hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, triển khai thi công đúng tiến độ để bảo đảm tỷ lệ giải ngân theo cam kết.

Đối với các dự án chuyển tiếp, chủ đầu tư và địa phương quyết liệt thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công đối với các vị trí đã có mặt bằng. Đối với các dự án thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý về bồi thường giải phóng mặt bằng trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để chi phí kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng đã bố trí cho dự án.

Riêng các dự án phân cấp cho cấp huyện quyết định đầu tư, các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ chung của tỉnh, trưởng ban chỉ đạo bồi thường giải phóng mặt bằng cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện để giải quyết vướng mắc, hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh, thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều. Do đó các sở, ngành địa phương cần có các phải pháp khắc phục kịp thời; phối hợp chặt chẽ để thực hiện các công việc theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Rà soát lại các danh mục, nhiệm vụ trọng tâm, xem xét các vướng mắc khó khăn cần tháo gỡ để đưa ra đề xuất UBND tỉnh; phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch đề ra của năm.  

Ở lĩnh vực thu ngân sách, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính chủ động phối hợp với Cục Thuế, Cục Hải quan, đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thường xuyên theo dõi tình hình thu, chi, tồn quỹ ngân sách địa phương; bảo đảm cân đối ngân sách để thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách quan trọng của địa phương trong năm 2023.

“Trong lĩnh vực đầu tư công, nếu sở, ngành, địa phương nào không thực hiện tốt, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

 
;
.