Cần quy định rõ việc Hà Nội được "giữ lại tối đa" tiền thu từ đất

Thứ Sáu, 10/11/2023, 17:02 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 10/11, theo Chương trình kỳ họp thứ 6, Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu tham gia thảo luận tại Tổ đối với Dự án Luật Lưu trữ (Sửa đổi), Luật Thủ đô (Sửa đổi).

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc phát biểu thảo luận tổ
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc phát biểu thảo luận tổ

 Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận định: Trong thực tiễn UBND cấp huyện vẫn có kho lưu trữ, giao cho phòng Nội vụ cấp huyện quản lý, chỉ đạo hoạt động lưu trữ tại cấp huyện. Tuy nhiên, điều luật chỉ quy định trách nhiệm quản lý tài liệu lưu trữ đối với UBND cấp tỉnh và cấp xã, không đề cập đến cấp huyện. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ đối với UBND cấp huyện theo quy định.

Điều luật mới quy định 2 nội dung: Là nguyên tắc và yêu cầu đối với tài liệu lưu trữ dự phòng và giao cho Chính phủ tiếp tục quy định chi tiết. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cần luật hoá, quy định rõ tiêu chuẩn, giá trị pháp lý của tài liệu lưu trữ dự phòng vào nội dung điều luật vì đây là cơ sở pháp lý quan trọng về lưu trữ đối với nguồn tài liệu dự phòng. Còn các nội dung khác về tài liệu lưu trữ dự phòng sẽ do Chính phủ thể chế hoá.

Về tài liệu lưu trữ tiếp cận có điều kiện tại Điều 25 dự án Luật, đại biểu nhận định điều luật mới quy định tài liệu lưu trữ tiếp cận có điều kiện gồm các loại tài liệu nào và thẩm quyền cho phép tiếp cận. Việc quy định như vậy theo tôi là chưa đầy đủ, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm 2 nội dung vào điều luật gồm: Quy định cụ thể tiêu chí xác định tài liệu lưu trữ tiếp cận có điều kiện; Điều kiện để được khai thác tài liệu lưu trữ tiếp cận có điều kiện.

Về giải mật tài liệu lưu trữ tại Điều 27 dự án Luật, dự án Luật mới quy định việc giải mật và trách nhiệm của người đứng đầu giải mật tài liệu lưu trữ đối cơ quan của Đảng, Bộ Quốc phòng, Công an, ngoại giao, của cơ quan, tổ chức không còn hoạt động tại thời điểm giải mật và giải mật lưu trữ lịch sử của Nhà nước. Đối với giải mật lưu trữ tại cơ quan đang hoạt động điều luật chưa quy định rõ. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung rõ về quy định giải mật tài liệu đối với lưu trữ cơ quan.

Đối với Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, về tiền thu từ đất (khoản 5 Điều 35): Quy định này xác định: Ngân sách thành phố Hà Nội được giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố; Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết cụ thể phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn vốn trên cơ sở đề xuất của thành phố Hà Nội. Tôi thống nhất với nội dung quy định này, tuy nhiên, việc quy định “được giữ lại tối đa” như dự thảo là chưa rõ, chưa xác định được khoản giữ lại cho ngân sách Thành phố là bao nhiêu để có căn cứ thực hiện. Quy định này sẽ rất khó thực hiện khi Luật Ngân sách nhà nước được sửa đổi. Đồng thời, việc giao Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết cụ thể cần xem xét lại sự phù hợp về thẩm quyền quyết định liên quan đến phân bổ ngân sách theo Luật Ngân sách Nhà nước.

Từ đó, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét theo hướng: xác định tỷ lệ điều tiết cụ thể là Hà Nội được để lại 100% như quy định Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành nhằm tạo nguồn lực cho Thành phố. Trường hợp sau này sửa Luật Ngân sách Nhà nước thì cho phép áp dụng theo quy định của Luật Thủ đô để tạo sự chủ động cao nhất cho Thủ đô trong việc thực hiện 1 số nhiệm vụ do Trung ương giao.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng thảo luận nhiều nội dung quan trọng của 02 dự án Luật nói trên.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN

 

 

;
.