Cân nhắc đặc thù đô thị lớn khi quy định về bãi đỗ xe
Ngày 10/11, theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tham gia thảo luận tại Tổ về các dự án Luật.
Thảo luận tại tổ đối với dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định, Quốc hội đưa vào chương trình lập pháp về sửa đổi Luật Lưu trữ là rất cần thiết.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ chiều 10/11. Ảnh: CHÂU VŨ |
Đại biểu nêu ý kiến: Điều 27 quy định về giải mật tài liệu lưu trữ, dự án luật mới quy định việc giải mật và trách nhiệm của người đứng đầu giải mật tài liệu lưu trữ đối cơ quan của Đảng, Bộ Quốc phòng, Công an, ngoại giao, của cơ quan, tổ chức không còn hoạt động tại thời điểm giải mật và giải mật lưu trữ lịch sử của Nhà nước. Tuy nhiên, đối với giải mật lưu trữ tại cơ quan đang hoạt động điều luật chưa quy định rõ. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung rõ về quy định giải mật tài liệu đối với lưu trữ cơ quan.
Về dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Đỗ Văn Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nêu quan điểm, về bãi đỗ xe, quy định như điểm b và c, khoản 1, Điều 44 là rất khó thực hiện cho các thành phố lớn như thủ đô Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Đại biểu lý giải, nội thành của các thành phố lớn này, đất chật, xe đông, nên quy định xây dựng bãi đỗ theo quy chuẩn Bộ GT-VT và Bộ Xây dựng trong đô thị, mà không cân nhắc tới đặc thù của các đô thị lớn là rất khó thực hiện. Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, quy định rõ hơn vấn đề này.
Góp ý dự án Luật Đường bộ, đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị ban soạn thảo cần tổng kết thực tiễn thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn để tách luật này thành 2 dự Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, vì vấn đề này có nhiều dư luận trái chiều. Ban soạn thảo cần Rà soát kỹ lưỡng bảo đảm tương đồng giữa nội dung 2 dự luật đối với các luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Đại biểu Quân cho biết, thống nhất sự cần thiết ban hành và tên gọi của 2 dự án luật. Đối với dự án Luật Đường bộ, đại biểu Quân đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung điều khoản giải thích từ ngữ tại Điều 3 về “hoạt động đường bộ” là gì; bổ sung các vấn đề cần điều chỉnh phát sinh từ ảnh hưởng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như: quản lý giao thông thông minh; thu vé tự động, thẻ giao thông cảm ứng. Về chính sách phát triển giao thông đường bộ, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quan tâm về chính sách phát triển phương tiện giao thông công cộng tiến dần đến thay thế phương tiện cá nhân…
AN NHIÊN