.

Cần có quy định về hạ bậc thẩm phán có vi phạm

Cập nhật: 16:05, 09/11/2023 (GMT+7)

Chiều 9/11, theo Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu đã tham gia thảo luận tại Tổ đại biểu về Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: CHÂU VŨ
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: CHÂU VŨ

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu tán thành việc Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Dự án luật mang nhiều kỳ vọng lớn, thể hiện mong muốn thay đổi nhanh, cơ bản, toàn diện về tổ chức hoạt động của hệ thống Toà án hiện tại.

Về mô hình tổ chức toà án theo thẩm quyền xét xử (Điều 4 Dự án Luật), đại biểu Yến cho biết: Dự án luật quy định đổi tên Tòa án nhân dân phúc thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp huyện. Song đại biểu nhận thấy: Nếu chỉ thay đổi tên gọi mà không gắn với việc thay đổi chức năng, nhiệm vụ của Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm thì chỉ thay đổi về hình thức. Dự án luật mới chỉ dừng lại ở thay đổi tên gọi của các Toà án nhân dân mà chưa có sự thay đổi nào về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống toà án để đáp ứng với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27. Từ đó đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc kỹ và có lộ trình thay đổi cho phù hợp.

Cần quy định rõ cơ chế lãnh đạo của Đảng, giám sát Tòa chuyên biệt

Về thành lập Toà sơ thẩm chuyên biệt (điểm đ, khoản 1, Điều 4, Điều 62 và Điều 63 Dự án Luật), đại biểu Yến nhận định: Toà sơ thẩm chuyên biệt là một chế định pháp lý mới được quy định tại dự án Luật, tuy nhiên đại biểu cho biết hiện tại dự án Luật mới thiết chế có 2 điều quy định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của loại toà này tại Điều 62 và 63 là chưa cụ thể.  Tại 2 điều này cũng chưa quy định chi tiết loại vụ việc nào thuộc loại chuyên biệt. Nếu như chế định này được xây dựng nhằm tăng tính chuyên nghiệp của Tòa án trong việc giải quyết các loại án có tính chất đặc thù, đòi hỏi tính chuyên môn sâu và phù hợp với thực tiễn, thì nên quy định chi tiết trong dự án Luật về loại vụ việc đặc thù, điều kiện nào sử dụng chế định Tòa án sơ thẩm chuyên biệt. Cơ chế lãnh đạo của Đảng, giám sát đối với Tòa chuyên biệt cũng cần quy định rõ… Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá và cân nhắc kỹ hơn về vấn đề này.

Về cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự (Điều 15 Dự án Luật), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại nội dung điều luật này vì cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự là thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật Tố tụng (như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính), nếu quy định vào Luật Tổ chức Toà án là trùng lắp. Đại biểu cho rằng Luật Tổ chức Toà án nhân dân chỉ nên quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân không nên quy định về vấn đề trên.

Hạ bậc thẩm phán trong trường hợp vi phạm bị xử lý kỷ luật

Về quy định liên quan đến thẩm phán (Từ Điều 89 đến Điều 110 Dự án Luật), đại biểu Nguyễn Thị Yến bày tỏ thống nhất đối với một số quy định về thẩm phán trong dự án luật, song đại biểu nhận thấy trong dự án Luật chỉ quy định nâng bậc thẩm phán nhưng chưa có quy định về hạ bậc thẩm phán (đối với những thẩm phán có vi phạm). Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định hạ bậc thẩm phán (trong trường hợp có thể bị hạ bậc nếu vi phạm bị xử lý kỷ luật).

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu cũng thảo luận nhiều nội dung quan trọng của dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi).

CHÂU VŨ - MINH THIÊN

 

 

 

.
.
.