Cần có các biện pháp bảo vệ người chưa thành niên
Ngày 21/11, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho rằng, công tác bảo vệ người chưa thành niên thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập. |
Phạm tội về trật tự xã hội tăng
Trình bày báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do những khó khăn về kinh tế - xã hội làm gia tăng các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật.
Tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%.
Tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%. Trong đó, án rất nghiêm trọng 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng 96,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, số vụ phạm tội về trật tự xã hội tăng 18%, trong đó nhiều loại tội phạm tăng cao và có xu hướng phức tạp trở lại.
Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thời gian tới, tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự. Tiếp tục tăng cường đấu tranh các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm công nghệ cao; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự...
Nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật
Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) cho rằng, bức tranh chung về tình hình an ninh, trật tự xã hội còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng. Các loại tội phạm nguy hiểm tăng mạnh như: giết người, cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, gây rối trật tự công cộng…
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) lo ngại về việc xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, nhất là tội phạm trên không gian mạng. Số vụ vi phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet được phát hiện gia tăng.
Từ đó, các ĐBQH đề nghị, cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật, phổ biến, để người dân hiểu phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mới; có giải pháp để người dân cảnh giác, tự bảo vệ mình và tích cực đấu tranh tố giác hành vi vi phạm, tội phạm. Đồng thời, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật phục vụ công tác phòng, chống và xử lý tội phạm theo hướng sát với yêu cầu thực tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn để lực lượng chuyên trách của các cơ quan bảo vệ pháp luật tập trung tấn công, xử lý tội phạm đạt hiệu quả cao.
Trong năm 2023, các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 12.029 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, từ đó phát hiện 185 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm. Tiến hành 7.072 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, phát hiện 331 vụ việc và 624 người vi phạm (tăng 16% số vụ vi phạm so với năm 2022); đã xử lý hành chính 246 người; chuyển xử lý hình sự 2 người; kiến nghị thu hồi 45,2 tỷ đồng, đã thu hồi được 37,4 tỷ đồng. Tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 8.211 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 938 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp (số trường hợp vi phạm tăng 109% so với năm 2022). (Trích Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống |
Đề xuất lái xe dưới 50CC phải có bằng lái
Trong phiên thảo luận, các ĐBQH cũng đặc biệt quan tâm về các vi phạm pháp luật của người chưa thành niên. Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) nhận định, dù công tác tuyên truyền, giáo dục được đẩy mạnh, nhưng tình trạng học sinh vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông vẫn ở mức cao. Đại biểu kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, xem xét ban hành quy định về việc đào tạo, sát hạch với các trường hợp sử dụng xe, phương tiện gắn máy có dung tích dưới 50CC.
Nhìn nhận công tác bảo vệ người chưa thành niên thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật, bị xâm hại vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, đại biểu cũng cho rằng, pháp luật về tư pháp với người chưa thành niên còn tản mạn, chồng chéo, mâu thuẫn, các biện pháp xử lý chưa nghiêm cả về hành chính và hình sự... Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đề nghị cần sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật riêng quy định toàn diện, đầy đủ các vấn đề đối với người chưa thành niên, từ biện pháp bảo vệ đến các nội dung về tư pháp người chưa thành niên.
NGỌC NGUYỄN