Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thảo luận về kinh tế - xã hội:

Nhiều lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn

Thứ Tư, 29/11/2023, 18:47 [GMT+7]
In bài này
.

* Không nên cứng nhắc trong việc phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS.

Chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 18, ngày 29/11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiến hành thảo luận tổ đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 và một số nội dung quan trọng khác.

Ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị cần đẩy nhanh việc phê duyệt các quy hoạch phân khu để tạo điều kiện triển khai các dự án khác.
Ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị cần đẩy nhanh việc phê duyệt các quy hoạch phân khu để tạo điều kiện triển khai các dự án khác.

Nhiều khó khăn

Về tình hình kinh tế năm 2023, các đại biểu đều cho rằng tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhu cầu đi lại, ăn uống, đánh bắt hải sản, du lịch… giảm, đã tác động đến đời sống của người dân.

Phân tích cụ thể ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, qua quan sát và TXCT khó khăn diễn ra ở nhiều lĩnh vực: Trong lĩnh vực đánh bắt hải sản, số lượng tàu ra khơi ít, số lượng tàu nằm bờ nhiều khiến sản lượng đánh bắt giảm. Các cơ sở chế biến hải sản phải nhập nhiều nguyên liệu từ các địa phương khác. Đơn hàng của các đơn vị gia công hải sản ngoài ở KCN giảm buộc họ phải cắt giảm lao động dẫn đến số người lao động không có việc làm tăng.

Những khó khăn trên tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu và sự tăng trưởng chung. Để có thể giúp ngành thủy hải sản phát triển ngoài đánh bắt, khai thác, tỉnh sớm đẩy mạnh nuôi biển để phần nào giảm bớt khó khăn cho bà con ngư dân và phát triển ngành thủy sản của tỉnh.

Riêng về du lịch, với nỗ lực của tỉnh, tổng thể có sự tăng trưởng, tuy nhiên xét từng địa phương như Xuyên Mộc, TP.Vũng Tàu lượng khách giảm, tình trạng nhà hàng, quán ăn trả mặt bằng nhiều. Vì vậy tỉnh cần có đánh giá sát với tình hình kinh tế và có hoạch định, giải pháp, phù hợp để phát triển các lĩnh vực kinh tế.

Về hỗ trợ DN, ông Huỳnh Bách Chiến, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, các DN đang gặp khó về tín dụng, áp lực từ giá cả đầu vào. Hiện nay, tiểu thương ở các chợ truyền thống buôn bán khó khăn. Đề nghị tỉnh quan tâm, đánh giá cụ thể và có hướng để tiểu thương chuyển đổi phương thức buôn bán.

Ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu đề nghị quan tâm tới vấn đề nhà ở xã hội.
Ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu đề nghị quan tâm tới vấn đề nhà ở xã hội.

Chậm phê duyệt đồ án quy hoạch dẫn tới các hệ lụy

Về quy hoạch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Ngọc Thuận cho biết, việc phê duyệt quy hoạch phân khu hiện nay rất chậm dẫn đến các dự án đầu tư công không có cơ sở để triển khai.

Dẫn chứng cụ thể, ông Mai Ngọc Thuận cho biết, tại TP.Vũng Tàu, quy hoạch chung TP.Vũng Tàu đã được phê duyệt năm 2019, nhưng đến nay, quy hoạch phân khu Nam sân bay TP.Vũng Tàu vẫn chưa được phê duyệt. Kéo theo hệ lụy là không phê duyệt được quy hoạch 1/500 của dự án hồ Bàu Sen và một số dự án khác, trong đó có cả đầu tư công…

Ông Lê Văn Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhận định, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm nay đạt hiệu quả và tỷ lệ giải ngân cao hơn năm 2022 dù không đạt theo kế hoạch. Năm nay, tỉnh đã khởi công được nhiều dự án lớn phục vụ cho phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vấn đề thủ tục, giải phóng mặt bằng… tồn tại bao nhiêu năm nay nên không thay đổi và có giải pháp căn cơ thì khó hoàn thành chỉ tiêu về giải ngân vốn đầu tư công.

Cùng quan điểm, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, hiện nay tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tính đến cuối năm chia theo nhóm dự án thì dự kiến nhóm dự án hoàn thành đạt tỷ lệ hơn 95%, chuyển tiếp 93,29%... Riêng đền bù, giải phóng mặt bằng còn thấp và đây vẫn là điểm nghẽn ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Ngoài ra còn vướng do các nguyên nhân về cơ chế vốn, quy hoạch… Vì vậy, năm tới nếu không giải quyết được các điểm tắc nghẽn tồn tại nhiều năm này thì sẽ tạo áp lực cho các dự án đầu tư công trong năm tới và các năm tiếp theo.

Quan tâm nhà ở, nước sạch nông thôn

Ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu cho rằng, trong chương trình phát triển nhà ở, cần quan tâm tới vấn đề nhà ở xã hội. Trước đây, UBND tỉnh quy định tái định cư bằng đất, bằng nhà. Còn trong tình hình hiện nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban cán sự Đảng cần nghiên cứu bổ sung tái định cư bằng căn hộ. Bên cạnh đó, ông Trần Đình Khoa cũng đề xuất hoàn thiện toàn bộ các đồ án thiết kế và khu đất để xây dựng nhà ở xã hội, sau đó kêu gọi đầu tư xã hội hoá. Khi đó, việc xây dựng sẽ diễn ra nhanh chóng.

Quan tâm đến vấn đề nước sạch cho các hộ dân nông thôn, ông Hoàng Nguyên Dinh, Bí thư Huyện ủy Châu Đức cho biết, hiện nay Dự án cấp nước sạch nông thôn của tỉnh chưa thông qua chủ trương đầu tư. Riêng địa bàn huyện Châu Đức, dự án có hơn 500km đường ống nước và tác động đến hơn 5.000 hộ dân. Dự án cấp nước sạch nông thôn của tỉnh rất quan trọng trong nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Do đó đề nghị sớm thông qua chủ trương đầu tư dự án.

Không nên đặt chỉ tiêu cứng nhắc về phân luồng học sinh

Ông Lê Hoàng Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, mới đây, HĐND tỉnh đã giám sát công tác phân luồng HS tốt nghiệp THCS theo Quyết định 522 của Chính phủ và kế hoạch 135 của UBND tỉnh.

Qua giám sát cho thấy ngay từ đầu nhận thức cùng sự chuẩn bị nguồn lực, sự phối hợp để triển khai phân luồng đều chưa bảo đảm. Năm nay, tỷ lệ vào giáo dục nghề nghiệp chỉ đạt hơn 12%, trong khi mục tiêu đặt ra là 40% vào năm 2025.

Ông Hải cho rằng ngành GD-ĐT và ngành LĐTBXH cần có giải pháp để tăng hiệu quả phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS. Bên cạnh đó, theo báo cáo, chỉ tiêu đặt ra cho năm tới là 70% HS vào công lập. Vậy thì hướng đi nào cho 30% HS còn lại cần được làm rõ, nhất là đối với HS vùng xa. Cùng với đó là giải pháp cho HS chưa được phân luồng. Ngoài ra, ông Hải cũng bày tỏ băn khoăn về tình trạng dư thừa cơ sở vật chất tại các trường THPT công lập, khi năm nay dư tới gần 70 phòng học.

Lãnh đạo 2 địa phương, Bí thư Huyện ủy Xuyên Mộc Phạm Thành Chung và Bí thư Huyện ủy Châu Đức, Hoàng Nguyên Dinh khẳng định còn dư phòng học công để bố trí HS vào học. Trên địa bàn 2 địa phương, không có trường nghề. Do đó, đề nghị không nên phân chỉ tiêu phân luồng cứng nhắc mà phải phù hợp tình hình thực tế từng địa phương. Đồng thời có đánh giá cụ thể về hiệu quả, chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm HS học nghề đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng để có việc làm ổn định.

Các ý kiến thảo luận tại 4 tổ sẽ được tổng hợp trình Hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (dự kiến khai mạc sáng 1/12).

NHÓM PV THỜI SỰ

 
;
.