"Thần hộ mệnh" giữa biển khơi

Thứ Ba, 03/10/2023, 20:30 [GMT+7]
In bài này
.

Với khẩu hiệu "Tính mạng con người là trên hết” và tinh thần “Lo cho ngư dân như người thân của mình”, cán bộ, nhân viên Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực III, thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (đứng chân tại phường 11, TP.Vũng Tàu) luôn vượt mọi khó khăn để kịp thời cứu giúp ngư dân gặp nạn trên biển. Hình ảnh con tàu cứu nạn cùng thủy thủ mặc áo màu da cam quá đỗi quen thuộc nên còn được nhiều người gọi là “thần hộ mệnh”.

Cán bộ, nhân viên tàu SAR 272 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III cứu nạn 10 ngư dân tàu BL 93279 TS bị trôi dạt trên biển ngày 26/9/2023.
Cán bộ, nhân viên tàu SAR 272 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III cứu nạn 10 ngư dân tàu BL 93279 TS bị trôi dạt trên biển ngày 26/9/2023.

Cứu nạn kịp thời

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực III (Trung tâm III) có 69 viên chức, người lao động, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển trách nhiệm từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến hết vùng biển các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang. Ông Lương Trường Phi, Phó Giám đốc Trung tâm III cho biết, cứu nạn trên biển khó khăn gấp bội lần so với đất liền. Do đó, Trung tâm tổ chức thường trực 24/7, chủ động nắm tình hình sự cố, tai nạn trên biển phát sinh để cứu nạn kịp thời. Đồng thời, bố trí phương tiện trực chốt chặn tại Côn Đảo, một trong những khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn, sự cố hàng hải. 

Mới đây nhất, 7 giờ 50 phút sáng 11/9, Trung tâm nhận được thông tin ngư dân Nguyễn Đức Hậu (thuyền trưởng tàu cá BV 92349 TS) bị tai biến khi đang đánh bắt hải sản tại vùng biển cách Côn Đảo khoảng 122 hải lý về phía Đông Nam. Ngay sau khi xác minh, xử lý thông tin, Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam điều tàu chuyên dụng tìm kiếm, cứu nạn SAR 413 của Trung tâm III đang thường trực tại Côn Đảo phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cử lực lượng đi cứu nạn khẩn cấp. Nhờ đó, chỉ sau 12 giờ, tàu SAR 413 đã cập bến Côn Đảo, đưa bệnh nhân vào cơ sở y tế tiếp tục điều trị kịp thời.

Với những trường hợp bị tai nạn lao động trên biển như: gãy tay, chân, tai biến, lực lượng cứu nạn hàng hải đánh giá mức độ tai nạn, có phương án cứu chữa tối ưu nhất cũng như chuẩn bị điều kiện tốt nhất về y tế để cứu chữa nhằm bảo đảm sức lao động cho ngư dân sau này.

Điển hình, tối 15/9, tàu MSC SVEVA - hô hiệu 3ESP7 trên đường hành trình từ Singapore đi Trung Quốc, khi đến vị trí cách mũi Vũng Tàu khoảng 156 hải lý về phía Đông Nam, thuyền viên Tarnauceanu Ciprian Bogdan bị tai nạn lao động, khuỷu tay phải bị cắt sâu, mất nhiều máu, thuyền trưởng tàu MSC SVEVA  cho tàu chuyển hướng hành trình về Vũng Tàu và đề nghị có phương án đưa thuyền viên bị nạn về bờ để chữa trị khẩn cấp.

Ngay khi nhận được thông tin, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam điều tàu chuyên dụng SAR 272 thường trực tại TP. Vũng Tàu đi cứu nạn, đồng thời phối hợp với Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu huy động bác sĩ và 1 điều dưỡng lên tàu SAR 272 ra hiện trường để tiếp nhận và cấp cứu thuyền viên bị nạn. Do kịp thời đưa nạn nhân về bờ cấp cứu, tính mạng của nạn nhân được bảo đảm.

Trong quá trình hoạt động khai thác thủy sản trên biển, nếu xảy ra bất cứ sự cố nào liên quan đến người và phương tiện, ngư dân cần bình tĩnh, đồng thời nhanh chóng liên lạc với Trung tâm III qua đường dây nóng 02543.850.950.
Đối với phương tiện có trang bị máy thu phát vô tuyến MF/HF (máy ICOM) có thể phát thông tin cấp cứu trên tần số 7903 kHz, các thông tin yêu cầu trợ giúp sẽ được các đài thông tin duyên hải (29 đài trực canh 24/24h) trải dài theo bờ biển từ Móng Cái đến mũi Cà Mau sẽ tiếp nhận, trợ giúp và chuyển đến các trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hang hải khu vực để có các biện pháp, phương án ứng cứu kịp thời.

 

Nâng cao hiệu quả tìm kiếm, cứu nạn

Những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt mùa biển động thường có bão, áp thấp nhiệt đới khiến công tác cứu nạn gặp nhiều khó khăn do sóng to, gió lớn. Cùng với đó, lượng tàu thuyền hoạt động trên các tuyến vận tải quốc tế và quốc gia ngày càng tăng. Hoạt động khai thác dầu khí, du lịch dịch vụ, đánh bắt thủy sản phát triển nhanh chóng nên hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển chịu nhiều áp lực.

Do đó, Trung tâm III luôn chú trọng xây dựng đội ngũ thuyền viên có tinh thần trách nhiệm cao, dũng cảm, không ngại sóng to, gió lớn, bất chấp nguy hiểm để cứu người gặp nạn trên biển. 100% viên chức, người lao động được trang bị đầy đủ kỹ năng, giải pháp theo từng tình huống cụ thể như tổ chức truy tìm xác tàu đắm, lặn tìm thuyền viên, người bị nạn còn mắc kẹt trong tàu. 

Cùng với đó, Trung tâm III phối hợp với Vùng Cảnh sát biển 3, 4, Vùng 2, 5 Hải quân và Biên phòng các tỉnh ven biển tăng cường trao đổi thông tin, hỗ trợ nhau trong tìm kiếm, cứu nạn trên biển; phối hợp huấn luyện, diễn tập nhằm nâng cao kỹ năng chuyên môn. Chỉ tính riêng từ năm 2014 đến nay, Trung tâm III và Vùng Cảnh sát biển 3 đã trao đổi, tiếp nhận 878 thông tin tìm kiếm cứu nạn. Qua đó, kịp thời phối hợp, tham gia tìm kiếm cứu nạn 704 vụ với 2.707 người; cứu kéo và hỗ trợ 827 phương tiện.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm III tiếp nhận, xử lý 88 thông tin báo nạn, điều động 11 lượt tàu SAR đi cứu nạn trên biển, cứu nạn thành công 7 tàu với 33 người gặp tai nạn, sự cố trên biển.

“Công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển là hoạt động nhân đạo mang tính toàn cầu mà mỗi quốc gia có biển phải thực hiện, nhất là các nước thành viên Công ước SAR 79. Bên cạnh đó còn mang ý nghĩa chính trị rất lớn, đó là sự khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Do đó, trong bất cứ khi nào có thông tin cần trợ giúp, cứu nạn trên biển, dù trong điều kiện khắc nghiệt ra sao, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải luôn sẵn sàng có mặt để cứu nạn kịp thời”, ông Lương Trường Phi nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

 
;
.