Chiều 30/10, tại hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiếp tục nội dung giám sát tốt cao về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Chương trình Kỳ họp thứ 6. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp |
Có cơ chế đặc thù cho riêng các vùng miền
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, trước một số tồn tại hạn chế đã được chỉ ra Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đối với vấn đề như hệ thống văn bản hướng dẫn cồng kềnh xuất phát từ quan điểm tiếp cận đa mục tiêu, cùng với đó sự phối hợp trên dưới, ngang dọc chưa chặt chẽ, khi thiết kế chương trình phức tạp nhưng nguồn lực hạn chế. Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ còn nhiều việc phải làm để kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương để cùng tháo gỡ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng cho rằng đề xuất về xem xét lại cơ chế ủy quyền, phân cấp, nhất là về nguồn vốn cho cấp huyện là một giải pháp khả thi. Đồng thời nhấn mạnh trong bối cảnh này, bên cạnh mục tiêu giải ngân cũng phải đảm bảo được tất cả những chỉ tiêu, những mục tiêu đưa ra để có được nông thôn mới phát triển bền vững. Mặc dù trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng cũng có cơ chế đặc thù cho riêng các vùng miền, điều này có sự chênh lệch giữa các địa phương. Qua các ý kiến của các đại biểu đã cho thấy trong cùng 1 vùng miền cũng có những tỉnh vượt lên. Do đó khi tiếp cận và vận hành chương trình thì vướng mắc nhất sẽ ở những địa phương dưới mức trung bình. Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết sẽ trình với Ban Chỉ đạo Trung ương trong thời gian tới để tính toán vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, những kết quả đạt được hôm nay có thể chậm, chưa đạt được mục tiêu nhưng đó cũng là những cố gắng rất lớn của các địa phương khi mà nguồn lực hỗ trợ từ trung ương giảm gần một nửa nhưng mục tiêu đó không thay đổi. Sự cố gắng của các địa phương là rất nhiều nhưng trong thời điểm hiện nay đã bắt đầu “đuối”. Ngoài ra còn có rào cản quản lý giữa các ngành. Cấu trúc bộ máy của 3 Chương trình và năng lực tiếp nhận của cán bộ địa phương, nhất là cán bộ cấp xã thay đổi liên tục cũng là một phần hạn chế. Do đó, thời gian tới sẽ chú trọng hơn đào tạo cho những cán bộ.
Giảm nghèo đa chiều, cao hơn và toàn diện hơn
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, khác với nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này công việc đòi hỏi phải cao hơn, khó hơn vì không chỉ giảm nghèo về thu nhập mà đòi hỏi giảm nghèo đa chiều, cao hơn và toàn diện hơn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng phân tích những khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nói riêng và ba Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung. Hiện nay, không còn chính sách cho không mà đã chuyển hoàn toàn sang hỗ trợ có điều kiện. Thời gian qua có hàng trăm hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo và chủ động nhường quyền lợi hỗ trợ cho người khác và mong muốn chủ động phấn đấu thoát nghèo, đây là điều cần được biểu dương. Đối với các hộ nghèo không có khả năng lao động, không có khả năng thoát nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ đưa ra các tiêu chí để những người này có cuộc sống tốt hơn hoặc không thấp hơn hộ nghèo. Về hỗ trợ nhà ở, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo tinh thần Quyết định 90 và Nghị quyết 24 của Quốc hội, phấn đấu trong nhiệm kỳ này xóa được khoảng 100.000 căn hộ dột nát khó khăn của hộ nghèo ở 74 huyện nghèo. Vấn đề thứ ba, qua thực tiễn triển khai Bộ trưởng cho biết việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đang triển khai tương đối tốt. Tuy nhiên, Chương trình phát triển kinh tế xã hội đồng bào dân tộc miền núi còn khó khăn hơn, nhưng cả ba chương trình này đang phải ban hành quá nhiều văn bản, dù không muốn nhưng vẫn phải ban hành vì thực hiện quy định của pháp luật. Hơn nữa, việc phân cấp, phân quyền chưa rõ, dẫn đến tình trạng dưới chờ trên, trên bảo dưới cứ làm nhưng dưới sợ. Ngoài ra, việc phân bổ các dự án nhỏ lẻ, manh mún quá nhiều; cùng với đó việc giao vốn chậm, nhỏ giọt….
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội 7 cơ chế chính sách đặc thù, nhưng theo Bộ trưởng, trước mắt trong Nghị quyết về giám sát, Quốc hội nên cho phép thí điểm trao quyền trọn gói cho cấp huyện được chủ động quyết định điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ các chương trình và giữa các chương trình với nhau; trong đó mỗi tỉnh chọn một hai huyện làm thí điểm.
Nghiên cứu, thiết kế mô hình thống nhất
Báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, về mô hình chỉ đạo của Ban chỉ đạo các cấp, hiện nay chưa thống nhất mô hình ở cấp địa phương. Đây là vấn đề thực tiễn đang đặt ra, mỗi địa phương có tổ chức mô hình khác nhau, tùy theo mục tiêu, đặc điểm của từng địa phương. Do áp lực không làm phát sinh thêm cơ quan, bộ máy, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, các địa phương thường sử dụng Sở Kế hoạch Đầu tư làm cơ quan chủ trì cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, cũng như 3 đơn vị như phân công ở trung ương. Riêng chương trình nông thôn mới thì có thêm văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới đã được thành lập từ giai đoạn trước, tiếp tục hoạt động trong giai đoạn này. Đó là những mô hình bước đầu, chưa đảm bảo tính thống nhất nhưng bước đầu đã đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình ở các địa phương.
Thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ ngành, tham mưu với Chính phủ nghiên cứu, thiết kế mô hình thống nhất từ trung ương đến địa phương đảm bảo hiệu quả hơn. Về hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình, riêng với Ủy ban dân tộc đang là cơ quan chủ trì, đây là chương trình rất lớn, lần đầu tiên được tích hợp từ các chính sách, văn bản có liên quan chính sách dân tộc ở các giai đoạn trước đây còn hiệu lực đến năm 2020, được tích hợp vào chương trình cùng một số chính sách mới. Vì vậy, hệ thống chính sách liên quan rất nhiều đến hệ thống văn bản pháp luật và các chủ trương chính sách giai đoạn trước còn hiệu lực với các quy trình, thủ tục các văn bản đang được hướng dẫn, được tích hợp trong giai đoạn này. Chính vì vậy, phải tích hợp rất nhiều văn bản để thực hiện.
Chương trình này bao trùm 10 dự án ở nhiều lĩnh vực khác nhau, liên quan đến nhiều bộ ngành, địa phương, đia bàn rất rộng, nên hệ thống văn bản ban hành cần rất chi tiết, cụ thể, tuy nhiên có những nội dung chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định những điều đó. Chính vì vậy, trong quá trình ban hành, khối lượng văn bản là nhiều, có sự trùng lặp, vướng mắc giữa các văn bản pháp luật hiện đang có hiệu lực cùng với văn bản của các bộ ngành khác. Ủy ban Dân tộc cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành, tham mưu Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ vấn đề này trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tiễn nảy sinh nhiều vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục tham gia giải quyết trong thời gian tới.
Về tốc độ giải ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, có nhiều lý do chủ quan, khách quan dẫn đến giải ngân chậm, trong đó vấn đề lớn nhất hiện nay là giải ngân vốn sự nghiệp, còn vốn đầu tư công không khó khăn trong giải ngân. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội việc phân quyền nhiều hơn nữa cho địa phương trong giải ngân vốn sự nghiệp.
Tiếp tục rà soát, kiện toàn lại các Ban chỉ đạo các cấp
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Ban Chỉ đạo cấp Trung ương và cấp tỉnh đến nay đã được kiện toàn. Qua cách vận hành của Ban chỉ đạo, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thường xuyên giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện và giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, trong thời gian, Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, kiện toàn lại các Ban chỉ đạo các cấp để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và phối hợp chặt chẽ, qua đó hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng chia sẻ, hiện nay cơ bản đã hoàn thành tất cả các văn bản hướng dẫn của Trung ương gồm 34 văn bản quy phạm pháp luật, 75 văn bản thông thường. Tuy nhiên, khối lượng văn bản rất lớn, nhiều vấn đề phức tạp, có những vấn đề mới liên quan đến nhiều lĩnh vực; các chương trình cũng không được xem xét và phê duyệt tại một thời điểm. Vì vậy, về tổng thể chung rất khó tránh khỏi sự chồng chéo, bất cập. Bộ trưởng nêu rõ sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Thí điểm trộn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, tới đây, Chính phủ sẽ trình thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện để thí điểm trộn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về nguồn vốn, nếu nguồn vốn sự nghiệp dùng không hết thì có thể chuyển thành nguồn vốn đầu tư phát triển. Đây là giải pháp tháo gỡ nút thắt lớn trong vấn đề này.
Về tỷ lệ vốn trung ương - địa phương, mỗi chương trình có một tỷ lệ nhất định. Các nội dung này nằm trong kế hoạch trung hạn và đâu đó được áp dụng theo luật, nên chỉ trường hợp cá biệt thì mới vận dụng linh hoạt từ nguồn vốn dự phòng hoặc nguồn tiết kiệm chi để ứng xử với từng dự án đặc biệt.
Về việc chuyển vốn, khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã dựa trên nguyên tắc cố gắng phấn đấu để vốn năm 2022 giải ngân hết trong năm nay, tuy nhiên, điều đó được tiên liệu với điều kiện tại phiên họp lần này, chúng ta có thể giải quyết cơ chế đặc thù như nhiều đại biểu đề cập. Hiện chúng ta còn tháng 11, tháng 12 và tháng Giêng năm sau để giải ngân vốn của năm 2022. Phó Thủ tướng mong muốn Quốc hội coi đây là trường hợp đặc biệt để cho phép chuyển nguồn năm 2022 đến 31/12/2024 để tránh bị cắt vốn sự nghiệp, trong khi nguồn vốn cho các chương trình rất hạn hẹp, mục tiêu đặt ra rất lớn lao.
Về điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu, đối tượng, Phó Thủ tướng cho biết, hiện đang có nhiều vấn đề ở nội dung này, trong tháng 11, Chính phủ sẽ giải quyết cơ bản hơn một nửa số nội dung đã nêu. Các nội dung còn lại sẽ được giải quyết khi có cơ chế đặc thù phù hợp.
CHÂU VŨ - MINH THIÊN