Quốc hội thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn

Thứ Tư, 25/10/2023, 15:11 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 25/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe báo cáo kết quả kiểm phiếu đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn và thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn; tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung phiên họp.

Các đại biểu Quốc Hội bỏ phiếu tín nhiệm tại phiên họp
Các đại biểu Quốc Hội bỏ phiếu tín nhiệm tại phiên họp

Lấy phiếu tín nhiệm 49 chức danh

Các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn được lấy phiếu tín nhiệm gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Hiện nay có 49 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, những người có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm. Cho nên, Quốc hội sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với 5 nhân sự: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh, do được bầu, phê chuẩn bổ nhiệm trong năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội Vương đình Huệ điều hành biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn
Chủ tịch Quốc hội Vương đình Huệ điều hành biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn

Trong 44 vị được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần này, khối Chủ tịch nước có 1 người, khối Quốc hội có 18 người, khối Chính phủ có 23 người cùng với Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Có 1 nhân sự lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 4 (Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao), 13 nhân sự lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2, còn lại 30 nhân sự lấy phiếu tín nhiệm lần đầu. 

Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Dự thảo nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tất cả bộ trưởng (kể cả người không phải đại biểu quốc hội) có mặt tại Hội trường Diên Hồng để nghe Quốc hội công bố kết quả. Kết quả phiếu tín nhiệm thể hiện rõ số phiếu và tỉ lệ tương ứng với 3 mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.

Với tỷ lệ 95,14 % tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (470/472 đại biểu biểu quyết tán thành), Quốc hội nhất trí thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi)

Tiếp theo nội dung công bố và xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự phiên họp
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự phiên họp

Dự thảo Luật Viễn thông trình Kỳ họp Thứ 6 gồm 10 Chương, 73 Điều.

Về điều chỉnh và quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông), dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây tại Điều 1, 28 và 29, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khảng định: dự thảo Luật điều chỉnh 03 dịch vụ mới so với Luật Viễn thông năm 2009 là cần thiết vì: Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ với xu hướng hội tụ giữa viễn thông và công nghệ thông tin, đã xuất hiện một số dịch vụ cung cấp thêm các tính năng tương tự như dịch vụ viễn thông truyền thống và các dịch vụ này cần được điều chỉnh với phương thức phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển. Dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây đã trở thành những thành phần quan trọng của hạ tầng số quốc gia, hạ tầng của nền kinh tế số. Việc điều chỉnh kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây sẽ tạo môi trường pháp lý rõ ràng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Dịch vụ OTT viễn thông được điều chỉnh sẽ tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp viễn thông. Nhiều quốc gia đã quy định OTT viễn thông là dịch vụ viễn thông, được quản lý theo pháp luật về viễn thông. UBTVQH thống nhất với quan điểm của Chính phủ trình Quốc hội về việc điều chỉnh 03 dịch vụ mới và đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý ràng hơn thuật ngữ tại các khoản 8, 9 và 11 Điều 3, đồng thời bố cục riêng Mục 3 Chương II gồm Điều 28 và Điều 29 dự thảo Luật quy định về nội dung này.

Đối với phương thức quản lý phù hợp đối với các dịch vụ mới: Dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng “quản lý nhẹ” (light-touch regulation) đối với 03 dịch vụ nêu trên, cụ thể: (1) Không hạn chế tỷ lệ vốn góp nước ngoài đối với hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ OTT viễn thông tại Việt Nam (điểm a khoản 1 Điều 28 và điểm a khoản 1 Điều 29); (2) Quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp 03 dịch vụ, tập trung vào bảo đảm chất lượng dịch vụ; quyền của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin; giảm bớt một số nghĩa vụ so với các dịch vụ viễn thông truyền thống (khoản 1 Điều 28 và khoản 1 Điều 29); (3) Quy định rõ hình thức quản lý là đăng ký, thông báo (điểm b khoản 1 Điều 28, điểm b khoản 1 Điều 29). Đối với việc quản lý hoạt động cung cấp 03 dịch vụ mới qua biên giới đến người sử dụng Việt Nam, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt trong quản lý và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn (khoản 2 Điều 28 và khoản 4 Điều 29).

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi)
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi)

Về viễn thông công ích (Chương III), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội báo cáo: Theo đánh giá tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động của Quỹ từ khi thành lập năm 2005 đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực. Quỹ đã hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ đối tượng công ích trên toàn quốc chi phí sử dụng dịch vụ viễn thông công ích và thiết bị đầu cuối. Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2020 và năm 2023 đối với Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, các nhiệm vụ chi của Quỹ đúng đối tượng thụ hưởng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích. Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, hoạt động viễn thông công ích trong thời gian qua cũng còn bộc lộ một số tồn tại như chưa bảo đảm tính liên tục trong hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích; tồn dư Quỹ lớn; một số nhiệm vụ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích không thực hiện được. Nguyên nhân cơ bản của các tồn tại, hạn chế nêu trên là chưa có đầy đủ cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nâng cấp và duy trì hạ tầng viễn thông để cung cấp dịch vụ và hỗ trợ đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông công ích; chưa có quy định về trách nhiệm của địa phương tham gia vào hoạt động viễn thông công ích; chưa quy định phương thức hỗ trợ trong một số trường hợp đặc thù...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với phương án Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục duy trì Quỹ nhưng cần hoàn thiện hành lang pháp lý để Quỹ hoạt động hiệu quả hơn. Theo đó, nội dung Chương III về viễn thông công ích được chỉnh lý ở các nội dung tại: khoản 3 Điều 30; khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 31; Điều 32. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý nội dung khoản 1 và khoản 4 Điều 30, bỏ các quy định “thực hiện nhiệm vụ viễn thông công ích do Nhà nước giao được bảo đảm từ ngân sách nhà nước” và “kinh phí cho việc thực hiện nhiệm vụ viễn thông công ích do Nhà nước giao được bảo đảm từ ngân sách nhà nước”, bảo đảm đúng tiêu chí của quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách quy định tại khoản 19 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời, khoản 3 Điều 32 dự thảo Luật được bổ sung, chỉnh lý bảo đảm mục đích sử dụng Quỹ không chồng lấn với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước.

Về chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông tại Điều 13, 47 và 67, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Tại điểm b khoản 4 Điều 13 đã bổ sung quy định doanh nghiệp nghĩa vụ cho thuê hạ tầng viễn thông; bổ sung quy định hiệp thương giá nếu các bên không thoả thuận được về giá chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông (khoản 3 Điều 47); bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông (điểm d khoản 1 Điều 67), đồng thời bổ sung tại khoản 3 Điều 47 dự thảo Luật quy định về thẩm quyền của cơ quan chuyên môn về viễn thông thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về nội dung này.

Về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet  tại Điều 48, 50 và 53, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thông tin: Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: Quy định các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá (điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 50); Quy định cách thức xác định giá khởi điểm cho từng loại tài nguyên trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và mức tiêu dùng của người dân (điểm c, d khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều 50); theo đó, giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao di động được xác định bằng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá tính cho một ngày (điểm c khoản 4 Điều 50); Quy định trình tự, thủ tục đấu giá thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản (khoản 6 Điều 50).

Về quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn SIM không đúng thông tin thuê bao (SIM rác), cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn  tại Điều 9, 13 và 15, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, người sử dụng dịch vụ viễn thông trong việc quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn, xử lý SIM không đúng thông tin thuê bao, cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo cụ thể tại điểm i, k, l và m khoản 2 Điều 13, điểm đ và e khoản 2 Điều 15. Đồng thời, để tăng cường các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo, dự thảo Luật đã bổ sung quy định hành vi cấm sử dụng thiết bị, phần mềm xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông công cộng tại khoản 5 Điều 9.

Ngoài các vấn đề trên đây, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện văn phong pháp lý, sắp xếp, bố cục lại dự thảo Luật cho hợp lý và lô-gíc hơn.

Sau đó, Quốc hội tiếp tục thảo luận một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Tiếp theo, Quốc hội nghe Bộ Trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Quốc hội tiếp tục thảo luận một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Cần quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong đảm bảo bí mật thông tin

Đại biểu Dương Tấn Quân thảo luận dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi)
Đại biểu Dương Tấn Quân thảo luận dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi)

Đại biểu Dương Tấn Quân, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đại biểu, hoàn thiện dự thảo luật cơ bản đáp ứng theo yêu cầu thực tiễn hiện nay. Góp ý về một số nội dung cụ thể liên quan đến bảo đảm bí mật thông tin, đại biểu cho biết theo quy định hiện hành, người sử dụng dịch vụ viễn thông tiết lộ thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông đã thể hiện rõ việc thu thập thông tin phải được sự đồng ý của người sử dụng dịch vụ và việc đồng ý đó có thể được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, tại dự thảo luật lại quy định: Người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin thuê bao sau khi doanh nghiệp viễn thông đã thông báo rõ ràng công khai bằng hình thức phù hợp với người sử dụng về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin. Theo đại biểu, quy định như vậy chưa phù hợp do vậy cần cân nhắc theo hướng không nên quy định việc này cho doanh nghiệp viễn thông mà nên quy định trách nhiệm máy cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc chia sẻ, bảo mật thông tin với điều kiện đã được trang bị thiết bị công nghệ kỹ thuật công nghệ thông tin hiện đại, kiểm soát người sử dụng bị khai thác thông tin, dẫn đến lộ lọt thông tin cá nhân.

Về quyền, nghĩa vụ của đại lý dịch vụ viễn thông tại Điều 14, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị xem xét sửa đổi bổ sung điểm c khoản 2 Điều 14 liên quan đến quy định về chịu sự kiểm tra kiểm soát của doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông thành chịu sự kiểm tra kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước địa phương, để đảm bảo vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên ngành có liên quan…

Cuối phiên thảo luận, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN

 

;
.