Quốc hội thảo luận tổ đại biểu về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Ba, 24/10/2023, 09:03 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Sáu, sáng 24/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về 6 nội dung về các vấn đề: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch: phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 - 2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại tổ
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại tổ

Tổ thảo luận số 4, gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh các tỉnh, thành phố: Hải phòng, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tham gia thảo luận tại Tổ đại biểu số 4.

Phát biểu thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, cơ bản thống nhất với các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội các nội dung thảo luận.

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội những năm 2023, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhận định: Trong năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, phục hồi kinh tế chậm, tăng trưởng kinh tế thấp, nhu cầu tiêu dùng giảm, nợ công tăng cao... trong đó có các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta. Nhiều quốc gia vẫn duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ, thị trường tài chính, ngân hàng. Bất động sản chưa thực sự ổn định. Giá dầu tăng cao cùng với thiên tai, biến đổi khí hậu... ngày càng tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng hàng hóa, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề hơn đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội.

Đoan DBQH tỉnh tại phiên thảo luận tổ về KT-XH
Đoàn DBQH tỉnh tại phiên thảo luận tổ về KT-XH

Trước bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, tình hình KT-XH năm 2023 của nước ta cơ bản vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ: Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, quý sau tăng nhanh hơn quý trước. GDP quý III ước tăng 5,33% so với cùng kỳ (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%). Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng. Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định. Thu ngân sách Nhà nước phấn đấu đạt hoặc vượt dự toán được giao. Cả năm 2023 ước xuất siêu khoảng 15 tỷ USD. Ứng phó, thích ứng hiệu quả hơn với khó khăn, thách thức trong bối cảnh, tình hình mới của thế giới và trong nước.

Đại biểu Dương Tân Quân phát biểu thao luận tinh hình KT-XH liên quan đến lĩnh vực y tế
Đại biểu Dương Tấn Quân phát biểu thảo luận tổ nội dung liên quan về lĩnh vực y tế

Nhiều giải pháp được triển khai để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân được thực hiện tốt. Phát triển văn hóa tiếp tục được quan tâm. Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được tăng cường, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.

Quang cảnh Tổ thảo luận số 4
Quang cảnh Tổ thảo luận số 4

Bên cạnh kết quả đạt được, đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng nhận định: Nước ta cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý IV/2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, khó đạt chỉ tiêu cả năm 2023 là khoảng 6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội. Ngoài nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ”, các động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều khó khăn, tăng trưởng thấp, giảm tốc.

Đại biểu Yến cho rằng, kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn tín dụng ngân hàng nhưng hệ thống ngân hàng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu; tỷ lệ nợ xấu nội bảng hết tháng 6/2023 đã vượt mức 3% (3,36%) dù nhiều khoản nợ đã được gia hạn, giãn tiến độ trả nợ theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tỷ giá đã có những biến động mạnh trong tháng 8/2023, đỉnh điểm có lúc Việt nam đồng mất giá 2,3% so với đầu năm, đây là vấn đề cần quan tâm theo dõi, đặc biệt trong bối cảnh Cục Dữ trữ liên bang mỹ (FED) vẫn có khả năng tiếp tục tăng lãi suất và kéo dài chính sách tiền tệ thắt chặt. Đối với tốc độ tăng trưởng năm 2023: Mặc dù không thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% như chỉ tiêu Quốc hội giao, nhưng nếu phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5%, thì quý 4 cần tăng 7% (quý 4/2022 tăng 5,92%); Trường hợp phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, thì quý 4 cần tăng 8,8%. Điều này đòi hỏi nỗ lực phấn đấu rất lớn trong tăng trưởng kinh tế ở 3 tháng cuối năm. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần cân nhắc đánh giá, dự báo sát tình hình, để có giải pháp thích ứng linh hoạt hiệu quả hơn nữa. Đồng thời, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong 3 tháng cuối năm 2023 và năm 2024, tôi đề nghị Chính phủ quan tâm một số nội dung sau:

Kiểm soát chặt giá cả thị trường, có chính sách điều tiết hài hòa, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, giữa bên trong và bên ngoài; có cơ chế kiểm soát tốt thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản.

Duy trì kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong 9 tháng đầu năm, có biện pháp đảm bảo nguồn cung từ sản xuất và tập trung vào những giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế cao nhất trong những tháng cuối năm, trong đó cần quan tâm các nội dung kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, duy trì kết quả thương mại bền vững.

Có kế hoạch, lộ trình và các giải pháp xử lý các tồn đọng, vướng mắc về thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hiện nay lỷ lệ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn rất thấp. Cho nên, đề nghị Chính phủ có giải pháp hiệu quả hơn để phát huy hiệu quả nguồn vốn từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước này. Liên quan đến nội dung này, đại biểu Yến cũng đề nghị Ủy ban quản lý vốn Nhà nước thông tin, làm rõ thêm việc sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước sử dụng như thế nào, có hiệu quả hay không.

Xây dựng lộ trình kế hoạch xử lý nợ xấu nội bảng, đánh giá đúng nguyên nhân nợ xấu tăng (Cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng 3,56%) và có giải pháp khắc phục theo hướng cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, tôi thống nhất với đề xuất của Chính phủ về nội dung đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 năm 2022 của Quốc hội đến hến năm 2024. Tuy nhiên, tôi đề nghị Chính phủ phải linh hoạt hơn nữa, có phương án ứng phó sát tình hình, để điều chỉnh kịp thời các tình huống khẩn cấp, bất ngờ phát sinh trong thực tiễn.

Có giải pháp quản lý, ổn định giá vàng trong nước: Trong những năm trở lại đây, giá vàng trong nước đã trải qua nhiều biến động, đặc biệt thời gian gần đây, có sự chênh lệch rất lớn giữa giá vàng miếng SJC (thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước độc quyền) trong nước và giá vàng thế giới. Với mức điều chỉnh liên tục trong tháng 10/2023, đã đưa thương hiệu SJC nới rộng với vàng thế giới lên gần 14,45 triệu đồng mỗi lượng, đây là khoảng cách rất lớn, bị chi phối bởi sự độc quyền trong nhập khẩu và sản xuất vàng miếng thương hiệu SJC.

Nếu xem khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới là một "thước đo" cho sự chênh lệch cung - cầu vàng trong nước có thể thấy thị trường vẫn đang bị thiếu cung. Thị trường vàng SJC đang độc quyền và nảy sinh nhiều bất cập. 

Hiện nay, Nghị định số 24 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sau hơn 10 năm điều chỉnh đã bộc lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, đề xuất Chính phủ cân nhắc việc sửa đổi Nghị định số 24 này và nên cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho một số doanh nghiệp đã được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng. Sớm ban hành các văn bản quy định làm khung pháp lý cho hoạt động giao dịch vàng tài khoản, điều tiết hoạt động kinh doanh của sàn vàng, có cơ chế linh hoạt hơn nhằm giúp thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường quốc tế. Cân nhắc thành lập sở giao dịch vàng quốc gia để điều tiết thị trường vàng, phát hành chứng chỉ vàng, trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân, thay cho việc đấu thầu vàng như hiện nay, đáp ứng nhu cầu đầu tư vàng của người dân cũng như nhu cầu vàng nguyên liệu của doanh nghiệp kinh doanh vàng, góp phần đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả.

Các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng quan tâm thảo luận các nội dung khác về kinh tế - xã hội theo nội dung gợi ý của Chủ tọa phiên họp.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN

 

;
.