Quốc hội thảo luận hội trường dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình Quốc phòng và khu quân sự

Thứ Ba, 24/10/2023, 15:27 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 24/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; xem xét Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm và biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Phó Chủ tịch Trần Quang Phương điều hành nội dung Phiên họp
Phó Chủ tịch Trần Quang Phương điều hành nội dung Phiên họp

Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Quốc hội đã tiến hành thảo luận đối với dự thảo luật.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng cho biết cơ bản thống nhất với bố cục dự thảo Luật và báo cáo tiếp thu giải trình của Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra. Dự thảo luật đã được Ban soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với 6 Chương, 34 Điều.

Để dự án Luật được hoàn thiện hơn, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng: Để đồng bộ với Luật Quy hoạch, Luật Đất đai và đặc biệt phù hợp với quy định về “Ranh giới giữa các bất động sản” tại khoản 2 Điều 175 Bộ luật Dân sự và tình hình thực tiễn hiện nay, có vùng nước ở một số cảng quân sự trên địa bàn chưa được giao mặt nước gây ra những khó khăn trong công tác bảo vệ; nên đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung nội dung “cơ quan quân sự” vào trước cụm từ “thiết lập” và bổ sung nội dung “và được chính quyền các cấp xác nhận quyền sở hữu” vào sau cụm từ “quốc phòng” tại Khoản 2, Điều 2 của dự thảo Luật và sửa Khoản 2, Điều 2 như sau: Khu quân sự là khu vực có giới hạn, được cơ quan quân sự thiết lập trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không, xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự, quốc phòng, được chính quyền các cấp xác nhận quyền sở hữu”.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự phiên họp vào chiều 24/10
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự Phiên họp vào chiều 24/10

Về phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự: Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm nội dung “các điểm cao án ngữ có giá trị chiến thuật” vào sau cụm từ “hang động tự nhiên” tại điểm a, khoản 2, Điều 5 dự thảo Luật, vì “các điểm cao án ngữ” có giá trị chiến thuật có vị trí, vai trò rất quan trọng về mặt chiến thuật, nghệ thuật quân sự, điều đó đã được chứng minh qua các chiến lệ, qua các trận đánh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong sự nghiệp giải phóng đất nước.

Về chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu nhận định: Trong thời gian qua, thực tiễn một số khu quân sự, được đề nghị trả về địa phương để phát triển kinh tế xã hội, nhưng thủ tục để bàn giao cho địa phương rất chậm, có khu vực hơn 10 năm chưa thực hiện xong, gây lãng phí. Ngược lại, việc chuyển đổi đất sang mục đích quốc phòng, để xây dựng các công trình phòng thủ gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục thực trạng này, khi Chính phủ quy định chi tiết thực hiện điều luật này theo dẫn chiếu tại khoản 6 Điều 12, đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung vào Nghị định hướng dẫn của Chính phủ về: Qui định chi tiết, cụ thể thời gian hoàn thành thủ tục thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Về chế độ bảo vệ đối với khu vực cấm, khu bảo vệ, vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự; vành đai an toàn cho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng ten quân sự, đại biểu Hùng nhấn mạnh: Để đảm bảo cao nhất yêu cầu bí mật an toàn, đề phòng các nguy cơ xâm nhập của các đối tượng xấu đối với các công trình quốc phòng và khu quân sự thuộc nhóm đặc biệt, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm nội dung “đã được cơ quan công an kết luận xác minh lý lịch chính trị” vào sau cụm từ “Cá nhân, hộ gia đình”, sửa thành:  “Cá nhân, hộ gia đình đã được cơ quan công an kết luận xác minh lý lịch chính trị thường trú trong phạm vi bảo vệ được hoạt động canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp nhưng không được làm biến dạng địa hình tự nhiên” tại điểm a, khoản 2, Điều 18 Dự thảo Luật.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu góp ý dự thảo Luật
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu góp ý dự thảo Luật

Đối với điểm a, khoản 7, Điều 18 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định cụ thể loại ăng ten ở các khu quân sự để thực hiện hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, nhất là đối với ăng ten quân sự của các đơn vị đóng quân trên địa bàn các thành phố, kể các ăng ten của các đơn vị cấp chiến dịch, chiến lược, do đó cần cân nhắc luật hóa nội dung này.

Về lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu trình bày: Tại khoản 4, Điều 20 dự thảo luật có quy định về tiêu chuẩn người làm công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung cụ thể độ tuổi của người làm công tác này, nhằm đảm bảo chức năng nhiệm vụ, trình độ chuyên môn kỹ thuật, tiêu chuẩn về sức khỏe đối với từng loại, nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự đã được quy định tại Điều 5, Điều 6 dự thảo luật.

Về xử lý công trình, vật kiến trúc; quản lý, sử dụng đất, mặt nước trong phạm vị bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng viện dẫn: Tại điểm a, khoản 3, Điều 19 dự thảo quy định: “Trong khu vực cấm, diện tích đất, mặt nước chưa phải là đất, mặt nước sử dụng vào mục đích quốc phòng thì phải thu hồi, chuyển mục đích sử dụng sang mục đích quốc phòng theo quy đinh của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan”. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc tích hợp luôn với các quy định tại Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua, để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất cao, dễ thực hiện trong thực tiễn khi luật có hiệu lực pháp luật.

Sau phiên thảo luận, Quốc hội tiếp tục họp thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm và thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm.

 CHÂU VŨ - MINH THIÊN

 

 

;
.