Quốc hội thảo luận Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Thứ Sáu, 27/10/2023, 10:44 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 27/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội xem xét Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và tiến hành thảo luận tại hội trường đối với dự thảo Luật này. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng tham gia thảo luận về dự thảo luật
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng tham gia thảo luận về dự thảo luật

Tham gia thảo luận dự thảo luật nói trên, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho biết, cơ bản thống nhất với bố cục dự thảo Luật và báo cáo tiếp thu giải trình của Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Đại biểu đánh giá cao dự thảo Luật đã được Ban soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với 5 Chương, 34 Điều. Đề dự thảo Luật được hoàn thiện hơn, đại biểu Hùng góp ý một số nội dung sau:

Qua nghiên cứu quy định về nội dung lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở “hỗ trợ lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng và lực lượng khác ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật” tại điểm b, khoản 2, Điều 5 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “dân phòng” tại quy định này, vì theo đề xuất sẽ hợp nhất lực lượng dân phòng vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, do vậy không còn quan hệ phối hợp với lực lượng dân phòng.

Về hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội, Đại biểu viện dẫn Điều 10 dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: “Nắm thông tin nhân khẩu, thông tin về hoạt động của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách… Hỗ trợ Công an cấp xã kiểm tra nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng trên địa bàn phụ trách…”. Qua đó, nhấn mạnh trong tình hình thực tiễn, quy định này trong rất dễ bị lạm dụng và không làm rõ trách nhiệm nếu có sai phạm xảy ra. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn nhiệm vụ của lực lượng này khi tham gia hỗ trợ công an cấp xã thực hiện nội dung này.

Về bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu cho biết qua nghiên cứu khoản 3 và 4 Điều 14 dự thảo Luật về nội dung: “Căn cứ tình hình, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, tiêu chí về số lượng chức danh của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn quản lý. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự cần thành lập, số lượng từng chức danh của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý đối với từng đơn vị hành chính cấp xã hoặc huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã”; Đại biểu nhận thấy đây là lực lượng do ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động, vì vậy, trong thực tiễn nếu địa phương có điều kiện về ngân sách có thể sẽ bố trí số lượng người nhiều hơn, nhưng địa phương có khó khăn về ngân sách mặc dù có nhu cầu nhưng không thể bố trí đủ số lượng người theo yêu cầu. Đồng thời, nếu không có khung cơ bản thì sẽ khó khăn trong việc cân đối ngân sách và đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ. Do đó, ngoài việc giao địa phương tự quyết định số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và số người tham gia cụ thể, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định khung số lượng người tham gia tối thiểu và tối đa bao nhiêu người tại một đơn vị cấp xã ngay trong luật để đảm bảo sự thống nhất về quản lý lực lượng này, tạo điều kiện thuận lợi cho UBND và HĐND cấp tỉnh triển khai trong thực tiễn.

Mặc khác, đại biểu Hùng cho rằng: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, đặc biệt là quyền con người, quyền công dân như dự thảo Luật đã nêu: là “làm nòng cốt trong hỗ trợ Công an cấp xã, Công an huyện tại nơi không có đơn vị hành chính cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại Điều 3. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như: Trung thực, dũng cảm, tôn trọng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, tôn trọng, lễ phép và kính trọng Nhân dân… tương tự như các lực lượng chức năng khác có liên quan.

Qua nghiên cứu các nội dung quy định nhiệm vụ chi của Bộ Công an tại Điều 25 và Trách nhiệm của Bộ Công an tại Điều 28, nhận thấy 02 điều luật này có nội dung, nội hàm đều thuộc trách nhiệm của Bộ Công an. Tương tự về nhiệm vụ chi của địa phương tại Điều 26 và trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp tại Điều 30 cũng có nội dung, nội hàm thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc nên nhập Điều 25 vào Điều 28 và nhập Điều 26 vào Điều 30.

Đồng thời đối với quy định tại khoản 2, Điều 26, đại biểu Hùng cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung khung định mức chi hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, bồi dưỡng hỗ trợ… tối đa và tối thiểu để HĐND tỉnh căn cứ quyết định mức chi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và không có sự chênh lệch quá xa giữa các tỉnh thành, phố trong cả nước.

Cuối phiên thảo luận, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN

 

;
.