Phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2025
NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Ngày 11/10, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức hội nghị lần thứ 17 nhằm đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 và tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng Đảng 9 tháng năm 2023.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị. |
Quy mô và tiềm lực kinh tế tăng
Theo dự thảo Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025, kinh tế của tỉnh tiếp tục đà phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá. Giai đoạn 2021-2023, GRDP trừ dầu thô và khí đốt ước tăng bình quân 5,94%/năm (Nghị quyết đề ra tăng 7,6%/năm). GRDP trừ dầu thô và khí đốt bình quân đầu người ước năm 2023 đạt 8.281 USD (Nghị quyết đề ra đến năm 2025 đạt 10.370 USD).
Cơ cấu kinh tế (trừ dầu thô và khí đốt) tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng khu vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên, năng suất lao động theo giá hiện hành năm 2022 đạt 626,1 triệu đồng/lao động.
ÔNG PHẠM VIẾT THANH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG,
BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH
“Đã nói phải làm, đã làm phải làm cho xong”
Dự báo tình hình tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; thách thức nhiều hơn, lớn hơn so với thời cơ, thuận lợi; thị trường bất động sản tiếp tục đình trệ, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp vẫn còn một số hạn chế, bất cập, khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu; công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, đầu tư công, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư để triển khai thực hiện các dự án vẫn còn chậm; chưa có giải pháp căn cơ để tạo nguồn thu bền vững… Để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra đòi hỏi sự quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Đã nói phải làm, đã làm phải làm cho xong. Phải đánh giá cán bộ qua công việc, qua sản phẩm.
|
Các công trình trọng điểm về hạ tầng giao thông kết nối được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn giai đoạn 2021-2023 tăng 5,11% (166.566/296.466 tỷ đồng), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra (Nghị quyết 1,8%).
Nhiệm kỳ 2020-2025, kinh tế của tỉnh tiếp tục đà phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá. Trong ảnh: Sản xuất nhựa PP tại Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina. Ảnh: AN NHẬT |
4 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Trong đó, du lịch có sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại sau đại dịch COVID-19. Năm 2022, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh khoảng 12,61 triệu lượt; số lượt khách lưu trú tăng 182,88%; trong đó, khách quốc tế tăng 125,79%. Doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 181,29%, doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 137,38%. Doanh thu du lịch tăng bình quân 104,54%/năm.
Năm 2021 và năm 2022, sản lượng hàng hóa xếp dỡ qua cảng bằng tàu biển đạt 76,9 triệu tấn/năm. Trong ảnh: Hệ thống cụm Cảng Cái mép-Thị Vải (TX.Phú Mỹ). |
Nhiều điểm sáng trong công tác xây dựng Đảng
Nhiệm kỳ 2020-2025, phương thức lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh tiếp tục được tăng cường, đổi mới theo hướng sâu sát, toàn diện, bám sát thực tiễn, tuân thủ các quy luật khách quan và bám sát quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.
Điểm mới trong nhiệm kỳ này là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo để theo dõi, đôn đốc, thúc đẩy tiến độ công việc theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đề ra; định kỳ hàng năm tổ chức làm việc với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương để nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các chỉ tiêu, nhiệm vụ hàng năm và cả nhiệm kỳ đề ra. Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát, làm việc trực tiếp với địa phương, cơ sở và sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết của Đảng.
Đạt 22/57 chỉ tiêu về nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra 3 khâu đột phá, trong đó có “Tập trung thực hiện Đề án nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển". Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10/12/2021 về “Nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”. Tính đến năm 2022, 22/57 chỉ tiêu tại Nghị quyết số 05 đã đạt mục tiêu đề ra đến năm 2025. |
Trong nhiệm kỳ, công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác cán bộ được thực hiện với quyết tâm chính trị cao, đạt kết quả quan trọng, rõ nét. Tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phân cấp quản lý biên chế.
Đến nay, đa số cán bộ lãnh đạo, quản lý đều có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các khâu đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ. Đổi mới công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua hình thức thi tuyển. Tỉnh tổ chức 2 kỳ thi tuyển, đã bổ nhiệm 16 vị trí cấp phó sở, ban, ngành của tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã tổ chức thi tuyển 131 vị trí thuộc diện quản lý.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng có nhiều đổi mới, gắn lý luận với thực tiễn, rèn luyện kỹ năng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 1.089 lớp/67.749 lượt cán bộ, công chức, viên chức.
Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung phát triển văn hóa - xã hội, phát triển con người. Trong ảnh: Nhân viên y tế khám sức khỏe định kỳ cho học sinh Trường TH Nguyễn Viết Xuân (TP.Vũng Tàu). |
Cân đối thu chi ngân sách
Hội nghị đã ghi nhận 10 ý kiến thảo luận, tham luận làm rõ nét và toàn diện những kết quả đạt được trong giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII và tình hình kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng Đảng 9 tháng năm 2023; các khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện. Từ đó, đề xuất nhiều giải pháp, định hướng lớn từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, trước mắt là tập trung hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2023.
Để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đã đề ra, trong thời gian còn lại của kế hoạch 5 năm 2021-2025, ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ kịp thời khó khăn cho DN, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư… để thúc đẩy tăng trưởng GRDP năm 2023. Thúc đẩy tiến độ hoàn thành, đưa vào vận hành các dự án chuẩn bị đi vào hoạt động, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đưa vào hoạt động, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, UBND tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với công tác chuyển đổi số.
Trong công tác phát triển đảng viên, đến ngày 30/6/2023, Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được 4.660 đảng viên/7.151 chỉ tiêu, đạt 65,2%; trong đó, kết nạp 273/349 đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, đạt 78,22%; thành lập 20/27 tổ chức đảng, đạt 74% chỉ tiêu các đơn vị đăng ký từ 2021-2025). |
Phát biểu thảo luận về cân đối thu chi ngân sách, ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, 2 tháng còn lại của năm 2023, cấp ủy các cấp, UBND các địa phương, sở, ngành nỗ lực để triển khai tốt Quyết định 44 của UBND tỉnh quy định về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh và đẩy mạnh hơn nữa công tác xác định giá đất cụ thể của dự án đầu tư để tăng thu ngân sách. Địa phương và sở, ngành cần nỗ lực thu các khoản thu sau kết luận của thanh tra, kiểm tra, không để nợ đọng; rà soát và thu các khoản chậm nộp theo quy định tại Nghị định số 12 ngày 14/4/2023 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.
“Các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là thủ trưởng cơ quan có liên quan cần thúc đẩy hơn nữa việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN, tạo thuận lợi để nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư. Về chi đầu tư, cần ưu tiên bố trí và cân đối ngân sách năm 2024, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình hạ tầng giao thông; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong tháo gỡ điểm nghẽn về giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng… Từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, không làm tăng giá trị đền bù trong giải phóng mặt bằng”, ông Mai Ngọc Thuận đề nghị.
Năm 2022, khách du lịch đến Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 12,61 triệu lượt. Trong ảnh: Du khách chụp hình với diều tại khu vực biển Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc). |
Phát triển hạ tầng giao thông
Theo ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT, Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển, đồng bộ. Các tuyến QL51, 55, 56 qua địa bàn tỉnh được đầu tư nâng cấp theo quy hoạch. Các tuyến giao thông kết nối nội vùng như: đường vào KCN dầu khí Long Sơn, đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải, đường 991B, đường Phước Hòa-Cái Mép từng bước được đầu tư để kết nối đồng bộ hành lang tuyến kinh tế ven biển, thu hút đầu tư, phát triển KCN, cảng biển, cảng thủy nội địa và trung tâm logistics của tỉnh.
Để tạo bước đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, nâng cao năng lực phát triển hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải, phát triển các khu du lịch, khu vực kinh tế và giải quyết tình trạng kẹt xe, ùn ứ và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông trên tuyến QL51, Sở GT-VT sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về nguồn vốn; chủ động phối hợp với bộ, ngành, địa phương trong vùng thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống cảng biển, kết nối thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, xây dựng Bà Rịa-Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về kinh tế của quốc gia và khu vực.
Bên cạnh đó, tuyến QL51 đoạn qua địa bàn tỉnh hiện đang xuống cấp, hư hỏng và ghi nhận số người tử vong do TNGT trên tuyến rất cao. Do đó, tỉnh kiến nghị Bộ GT-VT xem xét chỉ đạo Cục đường bộ Việt Nam chủ trì khảo sát, có phương án sửa chữa toàn bộ mặt đường để bảo vệ kết cấu công trình. Đồng thời, xem xét phương án đầu tư các nút giao khác mức tại các vị trí nút giao trong quy hoạch nhằm tránh ùn tắc và nâng cao an toàn cho tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: LƯU TRANG