KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV

Quy định rõ hơn vai trò của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở

Thứ Sáu, 27/10/2023, 18:52 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 27/10, thảo luận về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định rõ vị trí, chức năng của lực lượng này.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thảo luận về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thảo luận về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ảnh: CHÂU VŨ

Làm rõ nhiệm vụ khi tham gia hỗ trợ công an cấp xã

Phát biểu thảo luận về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) thống nhất với bố cục dự thảo luật và Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu cho rằng dự thảo luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với 5 chương, 34 điều.

Về quy định hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội, Điều 10 dự thảo luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nắm thông tin nhân khẩu, thông tin về hoạt động của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách, hỗ trợ công an cấp xã kiểm tra nhân khẩu tạm trú, tạm vắng trên địa bàn phụ trách.

Qua nghiên cứu tình hình thực tiễn, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng quy định này trong thực tế rất dễ bị lạm dụng, không làm rõ trách nhiệm nếu có sai phạm xảy ra. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn nhiệm vụ của lực lượng này khi tham gia hỗ trợ công an cấp xã phải thực hiện nội dung trên.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) cho biết, khoản 2, Điều 2 dự thảo luật quy định, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ công an xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tuy nhiên, dự thảo không nêu rõ lực lượng này có phải được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó, đội dân phòng…

“Cần bổ sung nội dung này trong khoản 2, Điều 2 dự thảo như sau: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở hợp nhất tổ chức của lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó, đội dân phòng để hỗ trợ công an xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đại biểu nêu.

Bảo đảm chế độ, chính sách 

Góp ý tại Điều 26 về nhiệm vụ chi của địa phương, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) bày tỏ: báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề cập đến vấn đề nhiệm vụ chi nhưng đại biểu còn băn khoăn về nội dung này, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này.

Đại biểu cho rằng, các nhiệm vụ chi phục vụ hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tại địa phương nhiều, nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ khác của địa phương hàng năm rất lớn nên vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, đặc biệt là đối với những địa phương còn khó khăn, ngân sách chủ yếu phụ thuộc vào Trung ương.

Trong khi đó, chính sách do Trung ương đã ban hành và được ban hành mới trong thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025 chưa được tính trong định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước. Do vậy, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về cơ chế hỗ trợ, các địa phương khó khăn về ngân sách, không cân đối được ngân sách để bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng này.

NGỌC NGUYỄN

;
.