Kết luận của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập

Thứ Tư, 04/10/2023, 23:16 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 62-KL/TW (ngày 2/10/2023) về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết 19).

Tăng tính tự chủ, công khai, minh bạch

Bộ Chính trị kết luận thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết 19 đạt được một số kết quả tích cực, góp phần bảo đảm an sinh, thực hiện mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội.

Thành viên Tổ hướng dẫn DVCTT tại TTPVHCC tỉnh hướng dẫn người dân thực hiện TTHC bằng hình thức trực tuyến.
Thành viên Tổ hướng dẫn DVCTT tại TTPVHCC tỉnh hướng dẫn người dân thực hiện TTHC bằng hình thức trực tuyến.

Các đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp, tổ chức lại, tinh giản đầu mối và biên chế, tăng tính tự chủ, công khai, minh bạch; phát huy được vai trò chủ đạo, nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo. Kết quả thực hiện chủ trương xã hội hóa đã góp phần tăng thêm nguồn lực, giảm áp lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập, từng bước hình thành thị trường dịch vụ sự nghiệp công lành mạnh.

Bên cạnh đó, còn một số hạn chế, yếu kém đó là, chưa thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách đối với đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp; cơ chế tự chủ tài chính; định mức kinh tế-kỹ thuật làm cơ sở để định giá dịch vụ sự nghiệp công; trách nhiệm công khai, minh bạch, giải trình.

Một số nơi sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn máy móc, cào bằng, chưa gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Hiệu quả hoạt động của nhiều đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp chưa đáp ứng yêu cầu. Chính sách xã hội hóa chưa thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công. Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được quan tâm đúng mức, một số cá nhân, đơn vị còn vi phạm pháp luật.

Đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập

Để tiếp tục thực hiện nghiêm quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 19, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; theo đó đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan chức năng, đơn vị sự nghiệp công lập và nhân dân, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 19; kịp thời phát hiện, nhân rộng mô hình đơn vị sự nghiệp công lập điển hình, có cách làm năng động, sáng tạo, hiệu quả; khen thưởng, biểu dương tổ chức, cá nhân thực hiện tốt; kiểm điểm tổ chức, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Công chức Sở Tài chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh giải quyết TTHC cho người dân.
Công chức Sở Tài chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh giải quyết TTHC cho người dân.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng ngân sách Nhà nước và đổi mới việc phân bổ theo hướng tập trung cho dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý Nhà nước; cho địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, đối tượng chính sách, người gặp khó khăn trong cuộc sống, đồng thời đẩy mạnh cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

Ngoài ra, phân cấp, phân quyền cụ thể, rành mạch giữa Trung ương và địa phương, giữa cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành với cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư, tài chính; nâng cao năng lực quản lý, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn quyền hạn với trách nhiệm, quyền lợi với hiệu quả công việc.

Dạ Hải (tổng hợp)

;
.