Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ CHQS tỉnh xác định hoạt động nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật là nhiệm vụ then chốt, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCÐ).
Hội đồng nghiệm thu sáng kiến của Bộ CHQS tỉnh đánh giá sáng kiến hộp báo thao trường đa năng của Đại đội pháo binh 34. |
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn
Trước đây, khi huấn luyện phòng cháy chữa cháy (PCCC), Đại đội Trinh sát - Phòng Tham mưu Bộ CHQS tỉnh thường sử dụng bình cứu hỏa dạng bột hoặc khí CO2. Bình bột sau mỗi lần sử dụng phải đi nạp lại gây lãng phí. Bình CO2 sử dụng không đúng cách có thể bị bỏng lạnh, bị thương, đồng thời việc sử dụng mô hình gỗ, nhựa không sát thực tế khi có tình huống cháy nổ xảy ra. Nhằm tiết kiệm chi phí, bảo đảm huấn luyện PCCC tiện lợi và an toàn, các cán bộ Đại đội Trinh sát nghiên cứu, cho ra đời sáng kiến “Bình cứu hỏa bọt xà phòng tạo bọt tuyết”.
Sau khi chuẩn bị vật liệu cũ như cụm van quai xách, chốt hàm, kẹp chỉ, ống dẫn trong, áp kế..., cán bộ Đại đội Trinh sát sử dụng bình cứu hỏa có sẵn và tiến hành khoan lỗ để lắp 10 van bơm khí. Trước khi sử dụng, chỉ cần mở van và cho dung dịch xà phòng vào bình rồi vặn lại như ban đầu, sau đó bơm khí vào bình qua van bơm khí cho đến khi đồng hồ đo áp suất đạt ngưỡng 4-6 Bar thì dừng lại (áp suất ở mức quy định của bình là 2Mpa = 20 Bar).
Trước khi xịt, chỉ cần dốc ngược bình, lắc mạnh 5-7 lần rồi rút chốt bảo hiểm, nước xà phòng được phun ra ngoài nhờ lực đẩy của khí nén qua hệ thống ống xi phông. Khi phun ra, nước xà phòng tạo bọt tuyết giúp kìm hãm, ngăn chặn phản ứng cháy và cách ly chất cháy với ô xy, đồng thời cản hơi khí cháy tiến vào vùng cháy dẫn đến đám cháy bị dập tắt nhanh chóng.
Tương tự, trong quá trình huấn luyện, diễn tập, các loại xe ô tô, đặc biệt là xe quân sự thường xảy ra trường hợp bó thắng, thủng lốp… dọc đường và cần phải sử dụng kích (kích thủy lực, kích cơ khí...) mới có thể tháo lắp, sửa chữa. Tuy nhiên, khi kích xe, bộ đội thường sử dụng tay đội (0,4 đến 0,6m), đồng thời phải cúi người xuống để làm động tác kích vừa mất sức, mất thời gian lại không an toàn. Trường hợp kích không cân bằng xe có thể bị trôi.
Cán bộ, chiến sĩ Đại đội Trinh sát - Bộ CHQS tỉnh phát minh sáng kiến thiết bị cắt dây cháy chậm tự động. |
Để tăng tính an toàn khi kích xe, giảm thời gian, công sức trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa xe trong quá trình huấn luyện, diễn tập, Thiếu tá Mai Đình Kiên và Thiếu tá Lê Công Trữ (Ban Hậu cần - Kỹ thuật Ban CHQS TX.Phú Mỹ) cho ra đời sáng kiến “Kích thủy lực động cơ điện”.
Kích thủy lực động cơ điện gồm kích thủy lực, cơ cấu dẫn động và động cơ giảm tốc. Khi cần kích xe, chỉ cần kéo thắng tay, chèn bánh xe và đặt kích tại vị trí khung, gầm cần kích, sau đó khóa van xả kích thủy lực bằng tay công. Kẹp hai đầu dây điện vào cọc bình ắc quy theo đúng cực rồi bật công tắc.
Nguồn điện ắc quy trên xe làm động cơ điện quay thông qua bánh răng giảm tốc dẫn đến làm giảm số vòng quay tăng momen xoắn. Lúc này, động cơ làm xoay đĩa xoay qua tay quay đứng làm tay công chuyển động lên xuống kích thủy lực nâng xe lên. Khi đến độ cao thích hợp, người sử dụng chỉ cần tắt công tắc, tháo kẹp bình điện và bảo dưỡng, sửa chữa xe một cách an toàn.
Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được cán bộ, chiến sĩ LLVT tích cực nghiên cứu và áp dụng vào thực tế thành công, phục vụ trực tiếp cho công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần giảm công sức, vật tư, kinh phí một cách thiết thực và hiệu quả.
Năm 2023, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh cho ra đời 46 mô hình, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, mô hình học cụ phục vụ công tác Đảng, công tác chính trị, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hậu cần, kỹ thuật. Qua thẩm định, đánh giá, Hội đồng xét, công nhận 20 mô hình, sáng kiến cấp tỉnh, lựa chọn 9 mô hình, sáng kiến tham gia hội nghị nghiệm thu cấp Quân khu 7. |
Khuyến khích các hoạt động sáng tạo
Đại tá Phạm Kinh Kha, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết, hầu hết đơn vị LLVT đều đóng quân ở địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, vũ khí, trang bị kỹ thuật qua nhiều năm sử dụng thường phát sinh hư hỏng. Xác định một trong những giải pháp đột phá thực hiện công tác kỹ thuật là đẩy mạnh sáng kiến cải tiến kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh đã phát động sâu rộng phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ, trang thiết bị kỹ thuật.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị khuyến khích cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu, cải tiến mô hình học cụ sẵn có phù hợp điều kiện huấn luyện, đối tượng, địa hình và khả năng cơ động tác chiến của LLVT địa phương. Đồng thời quan tâm, tạo điều kiện để các sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn. Chất lượng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ngày càng được nâng lên và đáp ứng được tiêu chí đa dạng về chủng loại, dễ sử dụng, có tính ứng dụng cao trong thực tế.
“Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh và phát động sâu rộng phong trào sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ, trang thiết bị kỹ thuật. Trong đó chú trọng sáng kiến có tính ứng dụng cao, hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, Đại tá Phạm Kinh Kha nói.
Bài, ảnh: MINH NHÂN