Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV, ngày 2/10, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri (TXCT) TP.Vũng Tàu và tiếp xúc chuyên đề với cử tri ngành tư pháp, cử tri lực lượng vũ trang để lấy ý kiến góp ý vào 3 dự án: Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi tiếp xúc. |
Tại các hội nghị tiếp xúc, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông tin đến cử tri dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ Sáu. Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc sáng 23/10); Tình hình phát triển kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm của Việt Nam; Hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh giữa 2 kỳ họp thứ Năm và thứ Sáu; Kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền Trung ương và địa phương.
Cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc, cử tri lực lượng vũ trang tỉnh đều tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự cũng như Luật Công nghiệp quốc phòng - an ninh và động viên công nghiệp.
Trung tá Mã Lê Thành Phương, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Côn Đảo đóng góp ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Ảnh: MINH NHÂN |
Đối với dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, các cử tri đề nghị cần quy định rõ khu quân sự là khu vực có giới hạn, được cơ quan quân sự thiết lập trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không, xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự - quốc phòng và được chính quyền các cấp xác nhận quyền sở hữu; quy định rõ về thời gian hoàn thành thủ tục thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự; cấm xây dựng nhà ở, công trình kiến trúc trong phạm vi hành lang an toàn kỹ thuật; quy định rõ về độ tuổi cụ thể của lực lượng bảo vệ khu vực quân sự; bảo đảm ngân sách cho việc quản lý khu vực quân sự - quốc phòng tại khu vực biển, đảo...
Về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), cử tri Cao Minh Vỹ (TAND tỉnh) cho rằng việc đổi tên gọi của các TAND cấp huyện, tỉnh thành TAND Sơ thẩm, Phúc thẩm sẽ giúp công dân nhìn nhận, định hình rõ ràng hơn về các cấp xét xử. Tuy nhiên thực tế cấp TAND tỉnh vẫn thường xuyên xử lý cả phiên sơ thẩm và phúc thẩm; điều này không đúng với tên gọi khi sửa đổi luật. Cử tri Vỹ đề xuất: “Nếu đặt tên toà án phúc thẩm nhưng quyền hạn vẫn xử sơ thẩm thì cần nghiên cứu thêm, nếu thay đổi thì phải thay đổi thẩm quyền giải quyết”.
Cử tri Nguyễn Thị Toan (TAND tỉnh) cho biết, dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) có nhiều sự thay đổi, trong đó có những nội dung chưa rõ, trùng lặp nên cần tiếp tục nghiên cứu. Cụ thể, cử tri Toan cho rằng: “Luật sửa đổi cần đề cao tính độc lập của tòa án khi xét xử. Chúng tôi mong muốn cấp xét xử theo đúng tinh thần của Hiến pháp là xét xử Sơ thẩm - Phúc thẩm - Tối cao, nhưng hiện nay tòa án tỉnh xử cả sơ thẩm và phúc thẩm thì rất áp lực”.
Đề nghị sớm sửa đổi Luật Giáo dục
Tại TP.Vũng Tàu, cử tri Vũ Văn Trung (phường 8) cho rằng hiện nay, Luật Giáo dục chậm sửa đổi, chưa đáp ứng được kỳ vọng xã hội với ngành giáo dục. Trong lĩnh vực giáo dục hiện có nhiều vấn đề gây bức xúc như khối lượng kiến thức quá tải đối với HS, vấn nạn dạy thêm học thêm tràn lan, đặc biệt là vấn đề biên soạn SGK. Nhiều bức xúc của xã hội không được điều chỉnh kịp thời đã cho thấy sự thiếu sót của Luật Giáo dục. Cử tri Trung đề nghị Đoàn ĐBQH đề xuất sửa đổi Luật Giáo dục trong đó chú trọng nội dung liên quan tới SGK nhằm xây dựng bộ SGK hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu dạy-học và kỳ vọng của xã hội.
Quan tâm tới mỹ quan đô thị, cử tri Bùi Duy Phong (phường 7) bức xúc vì tình trạng dán, treo quảng cáo/rao vặt sai phép, trái phép tràn lan trên các tuyến đường, cột điện, tường… gây mất mỹ quan ở các đô thị trong cả nước. Mặc dù các địa phương vào cuộc tháo gỡ và xử lý các quảng cáo sai phép, trái phép, song tình trạng này không giảm, người xé cứ xé, người dán cứ dán. Đây là vấn nạn cần có giải pháp căn cơ, quyết liệt để xử lý đồng bộ trong cả nước. Cử tri đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, luật hóa, có chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp này.
NHÓM PV THỜI SỰ