Chiến thắng đại dịch là chiến thắng của nhân dân

Chủ Nhật, 29/10/2023, 18:51 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 sáng 29/10.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu.

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị 

Theo BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến nay, thế giới có hơn 696 triệu trường hợp mắc bệnh tại 231 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó hơn 6,9 triệu người tử vong. Việt Nam phát hiện trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên tại TP.Hồ Chí Minh vào tháng 1/2020. Nước ta trải qua 2 giai đoạn chống dịch và 4 đợt bùng phát dịch, với hơn 11,6 triệu người mắc bệnh, trong đó 43.000 ca tử vong.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH
Đãi ngộ thỏa đáng với cán bộ, nhân viên y tế
Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu và triển khai thực hiện chính sách bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc. Khuyến khích các địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế về làm việc tại y tế cơ sở và lĩnh vực y tế dự phòng.
Thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược trong nước, vắc xin sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế, y học cổ truyền trong nước để chủ động trong công tác phòng, chống dịch và phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân;

Ngay từ khi dịch bệnh xâm nhập vào nước ta, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp chống dịch phù hợp. Nhờ đó, dịch bệnh từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả, góp phần quan trọng và tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, ca bệnh đầu tiên ghi nhận trong cộng đồng vào ngày 28/6/2021 ở xã Phước Hưng (huyện Long Điền), cùng với người dân từ vùng dịch trở về đã khiến tình hình dịch diễn biến phức tạp. Số ca nhiễm tăng nhanh, xuất hiện nhiều ổ dịch trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 137.585 ca mắc COVID-19, trong đó có 485 ca tử vong.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, UBND tỉnh, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng người dân, Bà Rịa-Vũng Tàu đã thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Tỉnh thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để đáp ứng với các tình huống dịch bệnh. Tỉnh đã bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, đưa ra các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Chủ động xây dựng kịch bản, phương án chống dịch từ sớm, toàn diện; thiết lập hệ thống chăm sóc, điều trị giảm tử vong, bảo vệ nhóm nguy cơ cao; đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 cho nhân dân… Qua đó, đã nhanh chóng kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên toàn tỉnh, phục hồi sản xuất, kinh doanh và ổn định cuộc sống cho người dân.

Xây dựng kế hoạch ứng phó dịch bệnh

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điểm lại những cộc mốc không thể nào quên trong giai đoạn đầy cam go của cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19. Giai đoạn khó khăn, chiến đấu với dịch bệnh chính là thước đo của bài học "lửa thử vàng, gian nan thử sức", thể hiện tinh thần "đoàn kết, tương thân, tương ái" và lòng yêu nước của cả dân tộc. Thủ tướng cho rằng, Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả vì có tư duy, phương pháp luận đúng “đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết; lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch; lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ; chiến thắng đại dịch là chiến thắng của nhân dân”.

Thủ tướng đánh giá cao cấp ủy, chính quyền, các ngành, các địa phương, BCĐ các cấp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân, đặc biệt cảm ơn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sĩ bộ đội, công an và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống đại dịch COVID-19. Đồng thời, tri ân sự hy sinh, đóng góp ý nghĩa, cao cả của các lực lượng, người dân, nhà hảo tâm tham gia phòng, chống dịch; chia sẻ với những khó khăn, vất vả của người dân và DN; chia buồn với những gia đình đã mất người thân.

Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục phối hợp, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tháo gỡ khó khăn vướng mắc còn tồn tại trong công tác phòng, chống dịch; tập trung khắc phục bất cập, vướng mắc trong pháp luật hiện hành và tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; nhất là về mua sắm thuốc, vắc xin, trang thiết bị, vật tư y tế... trong mọi tình huống; chuẩn bị sẵn sàng điều kiện cần thiết để ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra.

Bộ Y tế tăng cường đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, nâng cao năng lực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và phòng, chống dịch hiệu quả. Bộ cần nghiên cứu, đề xuất, thiết lập cơ chế, tổ chức phòng, chống đại dịch tại các tuyến, đảm bảo việc huy động, quản lý, điều phối, sử dụng tối đa nguồn lực; xây dựng kế hoạch quốc gia ứng phó với đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai.

“Các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh có thể còn kéo dài, ổn định đời sống nhân dân, nhất là đối với những người chịu hậu quả của đại dịch, đặc biệt là trẻ mồ côi”, Thủ tướng yêu cầu.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.