Ngày 9/9, Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội đã tổ chức Toạ đàm “Về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và dự thảo Luật Căn cước” tại TP.Vũng Tàu.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng & an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng và Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Yến đồng chủ trì Tọa đàm. Ông Lê Hoàng Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã tham dự tọa đàm.
Tham dự tọa đàm có: Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh; các Uỷ viên Uỷ ban Quốc phòng và An ninh; Đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Uỷ ban của Quốc hội, các Ban, Viện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. Đại diện lãnh đạo Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành chức năng; Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; Đại diện Lãnh đạo Bộ Công an, Ban Soạn thảo và các Tổ biên tập dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và dự án Luật Căn cước; Đại diện một số cơ quan nghiên cứu, cơ sở đào tạo: Học viện Chính trị quốc gia, Học viện Hành chính quốc gia, Học viện Cảnh sát nhân dân; một số chuyên gia, nhà khoa học…
Phát biểu chào mừng tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Yến báo cáo khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Yến phát biểu chào mừng tọa đàm |
Theo đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định phát triển kinh tế với 4 trụ cột: công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. GRDP bình quân đầu người của tỉnh tính cả dầu thô năm 2022 đạt 14.081 USD và trừ dầu thô đạt 7.301 USD. Phấn đấu đến năm 2025 tiếp tục là tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước về GRDP bình quân đầu người. Tỉnh có cảng Cái Mép-Thị Vải là cảng thứ 19 của thế giới đón được những tàu container lớn nhất thế giới (240 ngàn tấn); trực tiếp đi Châu Âu, Châu Mỹ, đứng thứ 11 trong 370 cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu.
Trong những năm qua, tỷ lệ thu ngân sách Nhà nước của tỉnh đứng trong Top 4 của cả nước. Riêng 8 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách của tỉnh là 57.685,6 tỷ đồng, đạt 65,1% dự toán. Về tổng chi ngân sách trên địa bàn là 13.455,6 tỷ đồng, đạt 49,6% dự toán. Về phát triển du lịch: Lượng khách du lịch đến tỉnh trong những tháng đầu năm là 10.492.630 lượt khách, trong đó có 186.924 lượt khách lưu trú quốc tế.
Tỉnh có 13/17 Khu công nghiệp đã đầu tư hạ tầng và thu hút dự án đầu tư với diện tích 3.389 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy là 65,92%, thu hút 394 doanh nghiệp với 76.686 lao động. Tỉnh hiện có 451 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký 30.494 triệu USD.
Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh là 1,51%, không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia; Có 06/08 huyện, thị, đạt chuẩn huyện nông thôn mới, 30 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Từng bước thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn. Các loại tội phạm, tai nạn giao thông giảm; Quốc phòng an ninh, nội chính được giữ vững. Tỉnh đã triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 24 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Liên quan đến nội dung, chủ đề tọa đàm, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh trao đổi: Thực tiễn đời sống pháp lý cho thấy các vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, hoạt động của các loại tội phạm, tình hình tai nạn, tệ nạn xã hội ở một số địa phương vẫn tiềm ẩn phức tạp; tình hình vi phạm các quy định về tham gia giao thông, về quản lý cư trú… diễn ra khá phổ biến. Đa số các vụ, việc có liên quan đến an ninh, trật tự đều xảy ra ở cơ sở, cần phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ sớm, để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả cho xã hội, nên luôn cần có sự tham gia của các lực lượng quần chúng ở cơ sở, nhất là lực lượng Công an xã bán chuyên trách trước đây, Bảo vệ dân phố, Dân phòng - đây là một đòi hỏi tất yếu.
Hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 82 xã, phường, thị trấn với 503 khu phố, thôn, ấp, tổ dân cư và 5.116 tổ dân phố. Thực tiễn từ trước đến nay, lực lượng quần chúng ở cơ sở luôn tham gia và thực hiện tốt nhiệm vụ theo sự điều chỉnh của những nhóm quy phạm pháp luật khác nhau. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn khách quan nêu trên, thì việc ban hành một đạo luật thống nhất quy định về xây dựng, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là thực sự rất cần thiết.
Ông Lê Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân tỉnh góp ý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở |
Bên cạnh đó, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng cho biết nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo bước đột phá toàn diện về chuyển đổi số ở nước ta trên tất cả các lĩnh vực. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02 về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính. Tỉnh đã quan tâm và có nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn đồng thời tích cực, chủ động triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử theo Đề án 06 của Chính phủ.
Đến nay, tỉnh đã cấp 479.237 tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VneID (Vi-nen), đạt tỷ lệ thu nhận 77,9%. Kích hoạt được 242.360 tài khoản, đạt tỷ lệ 39,4%. Cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho 7.999 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn. Triển khai thực hiện 14/25 dịch vụ công thiết yếu của ngành Công an. Sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip thay thế thẻ Bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh tại 118/118 cơ sở khám chữa bệnh. Có 5.278 cơ sở lưu trú, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn được thiết lập tài khoản để thực hiện thông báo lưu trú qua phần mềm ASM.
Lãnh đạo Quốc hội chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự toạ đàm |
Để góp phần đổi mới phương thức quản lý dân cư, bảo đảm tốt hơn nữa quyền con người, quyền công dân; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả và giá trị sử dụng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân trong công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của Nhân dân, đáp ứng các yêu cầu trong quản lý nhà nước; phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội; đồng thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Căn cước công dân hiện hành, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước thì việc ban hành Luật Căn cước là một yêu cầu hết sức cấp thiết.
Do đó, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định việc Ủy ban Quốc phòng và an ninh chọn thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm nơi tổ chức Tọa đàm “Về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và dự thảo Luật Căn cước”, là rất kịp thời và ý nghĩa, nhằm góp ý hiệu quả đối với 2 dự thảo luật, cung cấp thông tin cho các cơ quan của Quốc hội trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo Luật và cung cấp thông tin cho các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét thông qua các Luật này tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV sắp tới.
Tin, ảnh: CHÂU VŨ - ANH ĐÀO