Sáng 8/9, Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở do ông Dương Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH làm Trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với BCĐ thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh. Tiếp và làm việc với Đoàn có bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng BCĐ thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh.
Ông Dương Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Những kết quả thiết thực
Ông Huỳnh Văn Danh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh cho biết, giai đoạn 2021 đến 6/2023, Việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực và đã đi vào nề nếp; tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, góp phần mở rộng, phát huy dân chủ tại các loại hình cơ sở; cụ thể hóa các nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” vào thực tiễn đời sống.
Các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện các giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, gắn với công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo… nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành và công tác dân vận của chính quyền, theo hướng cụ thể, gần dân, vì dân phục vụ, sát với tình hình thực tế; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng ngày càng cao của cá nhân, tổ chức. Nhiều mô hình sáng tạo đã được triển khai như “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói”, “Ngày thứ Năm không chờ”… đạt hiệu quả. Cả tỉnh hiện có 503 Tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh, 3.232 hòa giải viên. Từ năm 2021 đến nay, đã hòa giải thành 703/804 vụ việc (đạt tỷ lệ 87,4%).
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại buổi làm việc. |
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò nòng cốt đối với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ pháp luật, phát huy dân chủ; tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 560 cuộc giám sát, đưa ra 1.781 ý kiến, kiến nghị trong đó số ý kiến, kiến nghị được các cơ quan phản hồi sau kiến nghị là 1.571; xây dựng 377 nội dung phản biện, đưa ra 1.988 ý kiến, kiến nghị, trong đó số ý kiến, kiến nghị được các cơ quan phản hồi sau kiến nghị là 1.822.
BCĐ QCDC các cấp đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm, tham mưu, đề xuất cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, kiểm tra, sơ tổng kết và biểu dương khen thưởng trong triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở. Hoạt động của BCĐ và các Tổ công tác được duy trì và nâng cao chất lượng, đã góp phần triển khai, thực hiện có hiệu quả QCDC đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, hạn chế tối đa những hành vi vi phạm dân chủ, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Toàn tỉnh đã tổ chức 189 cuộc thanh tra hành chính, 886 cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với 20.801 cơ quan, đơn vị.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền
Tại buổi làm việc, Đoàn kiểm tra yêu cầu Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh chia sẻ kinh nghiệm thực hiện QCDC ở cơ sở và làm rõ thêm một số vấn đề về thực trạng né tránh trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, công chức và công tác nắm bắt dư luận xã hội tại địa phương…
Ông Huỳnh Văn Danh cho hay, để đạt được kết quả trên, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”, kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Công tác phối hợp, tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở luôn được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện. Đại bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện QCDC ở cơ sở, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quan tâm gắn việc phát huy dân chủ với thực hiện nhiệm vụ chính trị, với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo QCDC các cấp nắm vững những quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, kịp thời nắm bắt tình hình, những nội dung quan trọng trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Qua đó tham mưu cho cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Về thực trạng cán bộ công chức “sợ” trách nhiệm, đại diện Sở Nội vụ nhận định “có tình trạng này nhưng không phải số nhiều”. Nguyên nhân là do một số quy định về chính sách pháp luật, quy định của nhà nước nhiều lúc còn chồng chéo, thiếu tính đồng bộ và liên thông khiến cán bộ công chức lúng túng khi thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, trong thực tế có nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ, dễ gây rủi ro trong quá trình triển khai, dẫn đến cán bộ công chức chưa phát huy hết năng lực, sợ trách nhiệm, sợ vi phạm.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng BCĐ thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh cho biết thêm, do chưa có quy định cụ thể nên khó xác định các trường hợp cán bộ, công chức né tránh trách nhiệm. Đề nghị trung ương có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Về việc nắm bắt dư luận xã hội, ông Nguyễn Văn Xinh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Phó Trưởng BCĐ thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh cho hay, toàn tỉnh hiện có hơn 300 cộng tác viên dư luận xã hội. Cùng với đó, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận và MTTQVN tỉnh có quy chế phối hợp trong nắm bắt thông tin dư luận xã hội. Hàng ngày, Ban Tuyên giáo cũng tổng hợp thông tin từ báo chí, bao gồm cả những thông tin tích cực và tiêu cực gửi về Ban Thường vụ Tỉnh uỷ để chỉ đạo, xử lý kịp thời những vấn đề dư luận quan tâm...
Cần thường xuyên đổi mới trong thực hiện QCDC ở cơ sở
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Dương Thanh Bình biểu dương những kết quả tỉnh đã đạt được trong thời gian qua; ghi nhận kiến nghị của tỉnh, huyện, cơ sở để báo cáo BCĐ Trung ương, kiến nghị bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết.
Nhất trí cao với phương hướng nhiệm vụ của tỉnh trong thời gian tới, ông Bình lưu ý, cần nhấn mạnh hơn nữa nhiệm vụ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ các cấp bởi đây là sự bao trùm xuyên suốt trong thực hiện QCDC ở cơ sở. Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiện toàn các ban chỉ đạo hiện có, rà soát và củng cố thêm các tổ chức đảng, chính quyền. Đặc biệt, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát; tiếp tục phát huy dân chủ trong đảng và các cơ quan chính quyền, tạo điều kiện cho người dân được nói lên tiếng nói của mình.
BCĐ QCDC ở cơ sở tỉnh đề xuất đề nghị BCĐ Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở xem xét kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, nhằm tránh chồng chéo, xung đột giữa các văn bản, đảm bảo Luật và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên cả nước. Đồng thời đề nghị BCĐ Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở, Ban Dân vận Trung ương kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền sớm nghiên cứu, xây dựng các văn bản, quy định chi tiết, cụ thể hóa các nội dung liên quan đến vấn đề “dân thụ hưởng” để bảo đảm thực hiện dân chủ một cách toàn diện, thống nhất… |
Không chỉ vậy, BCĐ của tỉnh phải tập trung tạo chuyển biến trong thực hiện QCDC cơ sở trong DN, tiếp tục làm tốt hơn vai trò tiếp công dân của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp, kịp thời đối thoại với nhân dân. “Việc thực hiện dân chủ cơ sở là nhiệm vụ, công việc thường xuyên và liên tục. Do đó, cần không ngừng cập nhật nội dung, hình thức mới, sơ kết, tổng kết, kiểm điểm rút kinh nghiệm, phổ biến lan toả các điển hình, khen thưởng, phê bình thực chất để việc thực hiện QCDC ở cơ sở ngày càng đạt kết quả tốt hơn”, ông Bình nhấn mạnh.
Bài, ảnh: BẢO KHÁNH-KHÁNH CHI