Đổi tên thành Luật Căn cước không gây xáo trộn về mặt pháp luật
Ngày 9/9, tại TP. Vũng Tàu, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức Tọa đàm về Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Dự thảo Luật Căn cước.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm. |
Tọa đàm diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an và bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Cần thiết đổi tên Luật Căn cước
Phát biểu điều hành tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Luật Căn cước đã nhận được 151 ý kiến của ĐBQH.
Qua tổng kết, hiện có hai loại, trong đó, ý kiến thứ nhất đồng ý đổi tên luật thành Luật Căn cước như Dự thảo Luật Chính phủ trình. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ tên luật là Luật Căn cước công dân.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với loại ý kiến thứ nhất và cho rằng: Việc đổi tên luật thành Luật Căn cước sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với các chính sách dự kiến đề xuất bổ sung khi lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật; phản ánh đúng, đủ bản chất căn cước, căn cước điện tử, đáp ứng yêu cầu quản lý căn cước cả về trước mắt cũng như lâu dài, phục vụ công tác quản lý Nhà nước, quản lý công dân, bảo vệ quyền con người. Ngoài ra, qua rà soát hệ thống pháp luật thì việc thay đổi tên thành Luật Căn cước không phát sinh việc sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý các luật, pháp lệnh, nghị quyết khác của Quốc hội, theo đó, không có tác động xáo trộn, thay đổi về mặt pháp luật.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu góp ý 2 Dự thảo Luật trong chương trình tọa đàm. |
Tại buổi tọa đàm, các ý kiến cho rằng, Luật Căn cước phù hợp với tính thời đại, khu vực và quốc tế. Việc triển khai đem lại thuận lợi cho việc thực hiện Chính phủ số, công dân số và kinh tế số không làm xáo trộn việc thực hiện trước đây. Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ quan điểm thống nhất với các nội dung báo cáo giải trình. Trong đó, căn cước điện tử phù hợp với chủ trương hiện nay hướng đến Chính phủ điện tử.
Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định tên gọi Luật Căn cước mang tính khoa học, bao trùm, dễ thực hiện và phù hợp với thông lệ quốc tế, thể hiện đúng bản chất của công tác quản lý căn cước là nhằm xác định rõ danh tính con người, quản lý xã hội một cách đầy đủ, toàn diện.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, cần giải trình tường minh, phân tích rất khách quan cả ưu điểm và hạn chế của 2 phương án. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đa số các ý kiến thành viên Thường vụ Quốc hội đều cho rằng, dù theo phương án nào cũng phải có quy định về việc cấp 1 loại giấy tờ hợp pháp nào đó cho người gốc Việt Nam sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
Tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý 2 dự thảo luật
Về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, tại tỉnh có 478 công an xã bán chuyên trách; 35 ban bảo vệ dân phố và 209 tổ bảo vệ dân phố ở phường, thị trấn với 1.495 người; 475 đội dân phòng với 3.925 người. Lực lượng này luôn tham gia và thực hiện tốt nhiệm vụ theo sự điều chỉnh của những nhóm quy phạm pháp luật khác nhau. Việc ban hành luật thống nhất quy định về xây dựng, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở thực sự rất cần thiết.
Góp ý dự thảo luật kể trên, ông Lê Hoàng Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng tại Điều 14 giao thẩm quyền cho HĐND tỉnh quyết định số lượng tổ bảo vệ an ninh trật tự cần thành lập, quyết định số lượng từng chức danh của tổ bảo vệ an ninh trật tự tại thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý của từng đơn vị hành chính cấp xã. Tuy nhiên không quy định điều kiện, tiêu chuẩn (bao nhiêu thôn, tổ dân phố thì được thành lập 1 tổ bảo vệ an ninh trật tự) và số lượng thành viên của tổ bảo vệ an ninh trật tự được quyết định trên cơ sở nào (số dân trên địa bàn hay tiêu chuẩn khác...). Bên cạnh đó chưa quy định số lượng tổ phó của mỗi tổ. Do vậy, ông Hải đề xuất quy định rõ về điều này để HĐND tỉnh có cơ sở xem xét, quyết định.
Tọa đàm về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và dự thảo Luật Căn cước có ý nghĩa rất quan trọng, giúp Ủy Ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo khả thi, đưa ra Quốc hội biểu quyết với sự đồng thuận cao.
(Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương)
|
Tại tọa đàm, Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tạo điều kiện cơ chế chính sách, cơ cấu tổ chức quản lý ở cơ sở. Lực lượng này là cánh tay nối dài của lực lượng công an, tham gia bảo vệ tốt ở cơ sở. Tuy nhiên ngân sách chi trả cũng như bồi dưỡng cho hoạt động của lực lượng này đang có nhiều văn bản quy định pháp luật khác nhau. Luật ra đời rất phù hợp và cần thiết trong tình hình hiện nay.
Thay mặt Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban đánh giá các ý kiến xác đáng, chất lượng và trách nhiệm của các vị đại biểu. Đồng thời khẳng định, Ủy ban sẽ nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội. Theo dự kiến, dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Bài, ảnh: AN NHIÊN