Báo Đảng địa phương đóng góp tích cực xây dựng nông thôn mới
NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Tại hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 28 năm 2023 do Báo Vĩnh Phúc đăng cai tổ chức (diễn ra từ 17-18/9), các đại biểu đã nêu bật vai trò của báo chí, truyền thông trong việc song hành với chương trình “xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao và làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM)”.
Toàn cảnh hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 28 năm 2023. |
Báo chí đóng vai trò quan trọng
Bà Hoàng Thị Nhung, Tổng Biên tập Báo Vĩnh Phúc nhấn mạnh tại diễn văn khai mạc hội thảo “Báo Đảng địa phương với nhiệm vụ tuyên truyền về xây dựng xã NTM nâng cao và LVHKM”, sau hơn 12 năm triển khai chương trình, khu vực nông thôn trên cả nước đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân, góp phần quan trọng phát triển KT-XH của cả nước.
Bà Nhung nhận định, đó là kết quả của sự nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; thể hiện sự đoàn kết, nhất trí, đồng thuận và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, có vai trò quan trọng, đặc biệt là sự đồng hành của các cơ quan báo chí nói chung, các cơ quan báo Đảng địa phương nói riêng.
Trên hành trình xây dựng NTM, các cơ quan báo Đảng trên mọi miền Tổ quốc và khu vực phía Bắc đã thể hiện tốt vai trò xung kích đưa chủ trương của Đảng, các chính sách của Nhà nước, của địa phương về chương trình xây dựng NTM đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, đồng thời, cổ vũ mạnh mẽ các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng DN và nhân dân chung sức, đồng lòng trong xây dựng NTM.
Đại biểu các báo Đảng địa phương khu vực phía Nam tham dự hội thảo. |
Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cũng đánh giá cao vai trò của các cơ quan báo Đảng địa phương trong tuyên truyền, góp phần thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển của mỗi tỉnh, thành, khu vực và cả nước.
“Các cơ quan báo Đảng là những lực lượng đi đầu; chính nhờ có báo chí, truyền thông mà nhận thức của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về chương trình xây dựng NTM được thay đổi. Từ chỗ trông chờ, ý lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã hiểu được chủ thể của mình trong xây dựng NTM; làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khơi dậy tính tích cực chủ động, sáng tạo của cộng đồng dân cư, tạo động lực to lớn biến chương trình thành một phong trào ngày càng rộng lớn”, ông Phạm Hoàng Anh khẳng định.
Các báo Đảng địa phương cần nghiên cứu, thực hiện 5 vấn đề để tổ chức tốt hơn việc tuyên truyền xây dựng NTM và LVHKM. Cụ thể: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp vào cuộc sống; Chủ động, tích cực đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, áp dụng các phương thức truyền thông mới, hiện đại, bắt kịp xu thế chuyển đổi số; Lan tỏa những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng NTM; Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu; Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cơ quan chủ quản, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của công tác thông tin, tuyên truyền về NTM... |
Hiến kế tuyên truyền NTM
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe, chia sẻ, trao đổi, thảo luận những kinh nghiệm hay, những cách làm sáng tạo, hiệu quả của các đơn vị như: sự vào cuộc của hệ thống chính trị; việc tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ; kinh nghiệm huy động nguồn lực trong nhân dân; việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân; giải pháp bảo vệ môi trường, xây dựng làng, xã, tổ dân phố sáng - xanh - sạch - đẹp; NTM thông minh…
Ông Lương Chí Công, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới khẳng định, để có những bài viết “đúng, trúng, hay”, không chỉ phản ánh chung chung, một chiều mà tác phẩm phải mang tính phản biện. Để làm được điều đó, phóng viên phải tích cực phát hiện đề tài mới, hay, hấp dẫn, kịp thời thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tuyên truyền. Đặc biệt, nội dung các bài viết cần tăng tính gợi mở, có những giải pháp hay, giúp ngành nông nghiệp phát triển, nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần cho người dân khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi...
Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới cũng cho rằng, với xu thế hội tụ truyền thông mạnh mẽ như hiện nay, các phương tiện truyền thông truyền thống và truyền thông mới lại có xu hướng cùng tích hợp, tương tác và hỗ trợ nhau, bằng những phương thức đa dạng và phức tạp hơn trước, kết hợp của nhiều loại hình báo chí: Báo in, báo mạng, phát thanh, truyền hình... Do đó, trong quá trình tuyên truyền cần thực hiện đa phương tiện, chuyển đổi số, nhằm bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả, đáp ứng nhu cầu thông tin của mọi đối tượng...
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến hết tháng 7/2023, đã có 89 thôn được công nhận thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 1 thôn NTM thông minh; 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 20 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 4 huyện, thành phố (Yên Lạc, Bình Xuyên, Vĩnh Yên, Phúc Yên) được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. |
Chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền về NTM, bà Định Hoàng Thị Hoài Phương, Tổng Biên tập Báo Nam Định cho rằng, Ban Biên tập cần khuyến khích các phóng viên có năng lực bám sát cơ sở thực hiện những bài viết chuyên sâu, mang tính phát hiện những điểm “nghẽn” trong thực hiện của các địa phương, đơn vị.
Đó là các bài viết phản ánh về khó khăn trong việc huy động kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản; trong bố trí đội ngũ cán bộ sau thực hiện nhiệm vụ sát nhập thôn, xóm; việc bảo đảm an ninh nông thôn, nhất là những vùng trọng điểm về tôn giáo…
Tính đến tháng 2/2023, cả nước có hơn 6.000 xã (bằng 73,08%) đạt chuẩn NTM; trong đó, có 958 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 113 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã. Có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước). Bên cạnh đó, có 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 100% số xã đạt chuẩn NTM; có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. |
Ở góc độ lãnh đạo địa phương đang trong tiến trình xây dựng NTM, ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho rằng, trong xu thế hiện nay, báo chí ngày càng phát triển với nhiều thay đổi, việc tuyên tuyền không chỉ đơn thuần là tuyên truyền như thế nào mà quan trọng là phải lựa chọn được những vấn đề để đưa các thông tin đến bạn đọc hiệu quả nhất, chuyển hóa thành hành động. Muốn làm những điều này, báo Đảng cần tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt thông tin chính thống.
“Để đi được xa thì các báo Đảng cần phải liên kết với nhau, nhất là trong xu thế báo chí số phát triển như hiện nay, cần huy động được các nền tảng, phương tiện, công nghệ hiện đại vào sản xuất, tổ chức thực hiện tin, bài để đáp ứng tốt nhất công tác tuyên truyền”, ông Phạm Hoàng Anh nói.
Báo Bắc Giang là đơn vị đăng cai tổ chức Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 29. |
Một góc làng văn hoá kiểu mẫu trên địa bàn thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. |
Bài, ảnh: QUANG VŨ